Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Sốt và cách xử lý

Sốt và các loại sốt

Thân nhiệt người ta bình thường dao động từ 36,5 - 37,5 độ C (độ Celcius). Khi thân nhiệt tăng trên 37 độ C thì gọi là sốt.

Theo mức độ tăng thân nhiệt, người ta chia ra các loại sốt như sau:

- Sốt nhẹ : khi thân nhiệt từ 37,5 - 38 độ C.
- Sốt vừa : khi thân nhiệt từ 38 - 39 độ C.
- Sốt cao : khi thân nhiệt từ 39 - 40 độ C.
- Sốt rất cao : khi thân nhiệt trên 40 độ C.

Để xác định chính xác thân nhiệt, phải dùng nhiệt kế và đo ở hậu môn, nhất là ở trẻ dưới 1 tuổi. Nhiệt độ đo ở nách thường thấp hơn đo ở hậu môn 1 độ C.

Các dấu hiệu nặng và hậu quả của sốt cao

Khi sốt cao, trẻ có thể bị:

- Mất nước nhiều, do thở nhanh, vã mồ hôi nhiều.
- Co giật toàn thân.
- Mê sảng, nói lảm nhảm.

Ngoài ra, khi sốt cao, trẻ thường bị nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, sút cân, đái ít, táo bón. Đôi khi trẻ bị rét run: sợ quạt, nổi da gà, run lập cập, đòi đắp chăn. Chính khi rét run thân nhiệt tăng rất cao. Nếu không đo nhiệt độ, trùm kín chăn, sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.

Nguyên nhân

Sốt không phải là bệnh, mà là phản ứng của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh. Các tác nhân gây sốt có thể là :

- Vi khuẩn, vi rút, ký sinh vật hoặc các độc tố của chúng.

- Các protein lạ vào cơ thể: văcxin, các kháng huyết thanh, truyền plasma...

- Các nguyên nhân khác: mọc răng, mất nước nặng, thời tiết (cảm lạnh, cảm nóng), khối u hoặc các bệnh hệ thống.

Khi trẻ bị sốt, phải được thăm khám cẩn thận để phát hiện kịp thời các bệnh nhiễm khuẩn toàn thân hoặc bộ phận. Tất cả trẻ ốm đều phải đo nhiệt độ để theo dõi.

Xử lý khi trẻ bị sốt

1. Giải thích cho các bà mẹ hiểu rằng sốt là triệu chứng rất hay gặp ở trẻ em, nhiều trường hợp tự khỏi, không nên quá lo lắng, hốt hoảng, dùng thuốc vội vàng. Khi trẻ sốt phải theo dõi nhiệt độ hàng ngày, thậm chí từng giờ.

2. Chăm sóc trẻ bị sốt cao:

- Cởi bớt quần áo, để trẻ nằm chỗ thoáng mát và yên tĩnh, không ủ kín.

- Cho uống đủ thuốc, tốt nhất là nước hoa quả, cho thức ăn mềm, dễ tiêu. Khi sốt trẻ chán ăn nên phải cho ăn ít một, nhưng nhiều lần trong ngày.

- Khi thân nhiệt lên trên 38 độ C, cần chườm lạnh, khăn nhúng nước lạnh vắt khô, đặt ở trán, nách hoặc ở gáy. Tránh không để trẻ bị ướt, rét run.

- Có thể cho uống một trong các loại thuốc hạ nhiệt đông y hoặc tân dược (theo chỉ dẫn của bác sĩ) như Paracetamol, viên cảm cúm, viên khung chỉ.

3. Những trẻ sốt cao hoặc rất cao, ngoài thuốc hạ nhiệt nên xin ý kiến bác sĩ cho thêm thuốc an thần (Aminazin, Diazepanam (Vilium, seduxen)) để đề phòng co giật.

4. Tìm nguyên nhân để điều trị. Mặc dầu nguyên nhân chính gây sốt là các bệnh nhiễm khuẩn, nhưng không lạm dụng kháng sinh để điều trị sốt, chỉ dùng kháng sinh khi tìm thấy các ổ viêm nhiễm ở da, tai mũi họng, đường hô hấp.

5. Những trường hợp sốt sau đây cần gửi lên tuyến trên:

- Sốt kéo dài trên ba ngày.
- Sốt cao kèm theo dấu hiệu nặng như da xanh tái, khó thở.
- Sốt kèm theo ỉa chảy, đau bụng, đau khớp.
- Sốt kèm theo phát ban, xuất huyết, vàng da.
- Sốt kèm theo cứng gáy, thóp phồng, nôn nhiều, co giật.

Nguồn: Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét