Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Sốt xuất huyết

Theo kinh nghiệm thì cứ 4 năm có một trận dịch sốt xuất huyết (SXH). Năm 1998 dịch SXH đã xảy ra tại các tỉnh thành phía Nam làm 383 bé tử vong. Năm 2001, trên biểu đồ cho thấy số mắc bệnh cao nhất vào khoảng tháng sáu, bảy. Đến thời điểm hiện nay số trẻ mắc SXH ở thành phố còn ít, có thể do không mưa, nhưng kinh nghiệm năm nào mưa trể, cao điểm SXH cũng sẽ xảy ra trể khoảng một tháng.

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dengue truyền qua muỗi vằn, đốt người vào ban ngày. Sau khi bị muỗi đốt 3-6 ngày, trẻ sốt cao đột ngột (39 - 40 độ C) trong 3-4 ngày liền, không sổ mũi (còn gọi là sốt khan). Cho trẻ uống thuốc thì hạ sốt nhưng khi ngưng thuốc sốt cao trở lại. Có những chấm xuất huyết dưới da ở tay, chân, ngực, bụng. Một số trường hợp có thể chảy máu cam, ói ra máu, tiêu phân đen. Sốc là dấu hiệu nặng, thường xuất hiện vào ngày thứ năm của bệnh. Khi sốt hạ, nhiều bà mẹ không biết lại nghĩ rằng bé đã khỏe, nhưng đó là vào sốc, máu bị cô đặc, nếu trẻ không được điều trị kịp thời tại bệnh viện sẽ bị tử vong.

Khi thấy trẻ sốt cao (39 - 40 độ C) đơn thuần trong hai, ba ngày nên đưa trẻ đi đến các bác sỹ chuyên khoa để được khám và xử trí theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Trường hợp SXH nhẹ thì trẻ được hướng dẫn chăm sóc tại nhà: hạ sốt với thuốc paracetamol (không dùng aspirin vì gây thêm xuất huyết), lau ấm khi sốt cao; ăn thức ăn nhẹ (cháo, súp, sữa...); uống nhiều nước cam, chanh (không dùng nước giải khát có màu nâu như xá xị, coca...); không cắt lễ, cạo gió.

Không quấn kín, mặc nhiều áo khi trẻ đang nóng sốt. Trường hợp thấy có nguy cơ vào sốc, bác sỹ sẽ cho trẻ nhập viện để được theo dõi sát và truyền dịch kịp thời.

Nguồn: Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét