Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Những thói quen xấu trong ăn uống cần tránh cho bé

Khi bé 1 – 3 tuổi, có thể bạn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc cho bé ăn, bé sẽ mè nheo, không chịu ăn, hoặc có khi bữa ăn của bé kéo dài hàng tiếng đồng hồ khiến bạn cảm thấy vô cùng mệt mỏi và stress. Nếu không muốn tình trạng đó xảy ra bạn hãy chú ý tránh cho bé một số thói quen xấu trong ăn uống.

Không tùy tiện cho trẻ ăn vặt

Phần lớn trẻ ăn uống không theo nếp, giờ giấc và hay đòi ăn vặt, đặc biệt là bánh kẹo, hoa quả, các loại thức ăn ngọt... Đến bữa, trẻ thường chán cơm, biếng ăn, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng gầy còm.

Nếu trẻ luôn ăn vặt sẽ buộc dạ dày, đường ruột, các cơ quan tiêu hóa phải làm việc liên tục, không được nghỉ ngơi, làm cho quá trình tiết dịch tiêu hóa giảm sút, các cơ quan tiêu hóa không thể làm việc với tần số cao được nữa và sẽ dẫn đến tình trạng tiêu hóa kém. Ngoài ra, ăn vặt khó bảo đảm vệ sinh, dễ gây ra bệnh viêm gan, bệnh lỵ và các chứng rối loạn tiêu hóa khác.

Các thức ăn vặt, nhất là đường, kẹo, bánh ngọt, socola có chứa khá nhiều chất béo, khó tiêu hóa. Sau mỗi lần ăn vặt, việc cung ứng nhiệt lượng cho cơ thể có thể tạm coi là đã thỏa mãn, sẽ không còn cảm giác đói bụng, thèm ăn, vì vậy đến bữa ăn sẽ, chán cơm và ăn không thấy ngon miệng, không ăn được đủ lượng cần thiết, làm mất cân đối tỷ lệ các chất dinh dưỡng, thể trọng sẽ giảm sút, thể lực suy kiệt, trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe. Chính vì thế, cần hạn chế tối đa cho trẻ ăn vặt.

Ăn uống điều độ, đúng bữa sẽ tạo điều kiện cho dạ dày làm việc, nghỉ ngơi theo một chế độ nhất định, có quy luật, tạo điều kiện cho nhu động ruột tiến hành thuận lợi, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn.

Không nên ăn vội vàng

Nếu trẻ ăn quá nhanh, cơm và thức ăn chưa được nhai kỹ trẻ đã nuốt, khiến dạ dày phải làm việc tần suất cao để co bóp, nghiền nát thức ăn. Lúc này, men tiêu hóa chưa được tiết ra đầy đủ số lượng, nên thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn và nước bọt chưa hòa trộn được vào thức ăn, men tiêu hóa chưa thể phát huy tác dụng được, điều này ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn; sẽ gây nên rối loạn tiêu hóa và các bệnh đường ruột khác.

Vì vậy, trẻ ăn cơm, phải ăn chậm nhai kỹ, mỗi bữa ăn phải mất khoảng 20 phút, để ruột và dạ dày có thời gian tiết đầy đủ các dịch tiêu hóa, đảm bảo thức ăn ăn vào được tiêu hóa tốt, hấp thụ được hoàn toàn, và tạo thành một khối rồi mới đưa vào dạ dày, ruột. Như vậy, giảm nhẹ được gánh nặng của dạ dày và đường ruột một cách tương ứng.

Đồng thời thức ăn được nhai kỹ, nhai đầy đủ còn giúp cho xương hàm phát triển, tăng cường sức đề kháng cho răng và vùng quanh răng; có thể làm cho trẻ cảm nhận được vị ngọt của thức ăn mà trẻ đang nhai, từ đó cảm thấy ngon miệng và muốn ăn.


Không nên vừa ăn vừa xem sách báo

Trẻ em khi ăn, công việc chủ yếu của não là cần chi phối tốt dạ dày và đường ruột, tăng cường việc cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho dạ dày và đường ruột, tiến hành tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Nếu vừa ăn vừa đọc sách, xem báo, vùng đại não chủ yếu phụ trách việc ghi nhớ và học tập cũng phải đòi hỏi được cung cấp đầy đủ oxy và các chất dinh dưỡng, lượng máu đưa đến dạ dày và đường ruột sẽ bị hạn chế, giảm sút, mà lượng máu đại não cần cũng không đáp ứng nổi, kết quả là, dẫu có xem sách, xem báo thì cũng không nhớ được gì, mà còn ảnh hưởng tới các chức năng của dạ dày, đường ruột, và sự nghỉ ngơi của não, gây nên hiện tượng trí nhớ bị suy giảm. Cho nên, không nên cho trẻ vừa ăn vừa xem sách báo, đó là một thói quen có hại, cần tránh.

Không nên ăn uống quá no

Bố mẹ cần bố trí hợp lý số bữa ăn, giờ ăn, số lượng cơm và thức ăn trong một lần ăn. Chớ để trẻ ăn uống quá no, quá căng bụng, vượt quá sức chứa bình thường của dạ dày.

Quá nhiều thức ăn được tống vào dạ dày, dịch tiêu hóa không tiết ra kịp, sẽ gây rối loạn tiêu hóa. Cũng do ăn quá no, dạ dày bị dồn nén, không co bóp nổi, khả năng nhu động giảm sút, bụng căng lên do máu dồn về dạ dày quá nhiều, làm cho các cơ quan nội tạng quan trọng khác như não và tim bị thiếu máu, thiếu oxy cục bộ, làm cho cơ thể mệt mỏi, rã rời chân tay. Cũng có thể tăng thêm gánh nặng cho tuyến tụy, gây viêm tụy.

Uống phềnh bụng, uống căng bụng là uống quá nhiều trong một thời gian ngắn, có thể làm cho dạ dày bị dãn cấp tính, dịch vị cũng bị loãng, đồng thời với lượng nước quá lớn, trong phút chốc tuôn trào vào máu và các tổ chức cơ thể khác, có thể gây phù, thậm chí bị phù não lại càng thêm nguy hiểm. Chính vì vậy, không nên cho trẻ ăn căng bụng, uống lồi rốn trong một thời gian ngắn, sẽ có hại cho việc phát triển cơ thể của trẻ.

Cần kịp thời uốn nắn tật ăn chọn của trẻ

Cơ thể trẻ đang trong giai đoạn phát triển, trưởng thành, đòi hỏi các chất dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ và toàn diện, cho nên tuyệt nhiên không thể để trẻ ăn chọn, thích gì ăn nấy sẽ ảnh hưởng xấu tới quá trình phát triển bình thường của trẻ.

Do thành phần dinh dưỡng của từng loại thức ăn khác nhau, cùng một lúc ăn nhiều loại thức ăn, chúng có thể bổ sung cho nhau được. Nếu trẻ có thói quen ăn chọn, kén ăn những thức ăn ngon miệng mà mình ưa thích, rất có thể sẽ không nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, đồng thời cũng sẽ hạn chế tác dụng thúc đẩy tương hỗ giữa các thành phần dinh dưỡng trong thức ăn, bất lợi cho việc phát huy đầy đủ tác dụng qua lai bổ sung cho nhau của các chất dinh dưỡng. Ngoài ra, ăn chọn, ăn lệch cũng có thể làm cho trẻ khó thích nghi với các môi trường hoàn cảnh sống khác nhau, gây khó khăn cho cuộc sống lao động và học hành sau này.

Ăn chọn còn có thể gây cho trẻ những hiện tượng tâm lý khác, làm nảy sinh ra thói xấu kén cá chọn canh đối với mọi sự vật sung quanh, gây nên những tác hại cho việc phát triển toàn diện cơ thể và tâm lý trẻ.

Ăn chọn, kén ăn, thông thường không phải do bệnh tật gây nên, vì vậy, ngay từ khi bắt đầu tập ăn đã phải chú ý uốn nắn ngay, không cho hình thành thói hư kén ăn của trẻ. Một khi đã hình thành thói quen ăn chọn, kén ăn, phải lập tức kịp thời uốn nắn ngay, chỉ cần kiên trì và quyết tâm, chắc chắn sẽ thực hiện được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét