Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Các "chiêu" tắm cho con ngày rét

Sau khi đã kéo cánh cửa nhà tắm, bật quạt sưởi, pha sẵn một chậu nước ấm, Thủy nhanh nhẹn nới bớt áo khoác cho con, bế ngửa và gội đầu cho con thật khéo.

Gội xong, Thủy với tay ngay lấy một khăn bông khô đã chuẩn bị bên cạnh lau đầu kỹ càng cho con.

Có cậu con trai 15 tháng tuổi mới khỏi ốm nên mấy ngày trời lạnh buốt, Thủy rất ngại tắm cho con. Hàng ngày, Thủy chỉ thay bỉm và vệ sinh vùng kín cho con. Rửa mặt mũi và rửa tay cũng là công việc không thể thiếu. Gần một tuần thấy con hay giật mũ gãi đầu, ngủ không ngon giấc, Thủy mới “liều” tắm cho con.

Trời lạnh thế này mà tắm cho con thì mình sợ con ốm. Lau người cũng không dám nữa. Nhưng ông bác sĩ nhi của con bảo rét thì không tắm thường xuyên nhưng cũng phải tắm, kẻo bé ngứa ngáy, khó chịu. Hôm qua vạch lưng con ra xem thấy con cứ lấy tay cào cào nên giờ phải tắm cho bé đây” – Thủy tâm sự.


Sau khi gội đầu cho con, Thủy nhanh chóng cởi bỏ quần áo và đặt con trong một chậu đầy nước ấm. Thế là mẹ tha hồ kỳ cọ, còn con thích chí nghịch nước. Tiếp đến, Thủy đặt con sang chậu nước ấm bên cạnh tráng người. Sau cùng, cô dùng khăn bông to bọc con lại rồi đưa con vào phòng kín, đã bật sẵn quạt sưởi để mặc quần áo.

Cũng lo chuyện tắm táp cho cô con gái (1 tuổi) là Nhâm (Hà Đông, Hà Nội). Bà ngoại bé bảo: “Trời lạnh thế này thì đừng tắm cho nó, chỉ lau người thôi”. Nhưng Nhâm không nhất trí, bởi lau người có khi còn khiến bé rét hơn tắm.

Để tiết kiệm thời gian, mình không dùng sữa tắm gì hết, chỉ dùng nước ấm thôi. Dùng sữa tắm phải tráng lại nhiều lần cho sạch bọt thì lâu lắm” – Nhâm kể.

Nếu cần gội đầu cho con, Nhâm cũng hết sức cẩn thận. Khéo léo xoa đều nước ấm cho tóc ướt, sau đó, Nhâm nhẹ nhàng xoa dầu gội lên đầu con, rồi tráng nước ấm nhưng không xả nước vào chậu tắm mà xả ra sàn. Nếu bọt dầu gội đầu vấy vào chậu nước tắm thì sẽ mất công thay một chậu nước tắm sạch khác.

Còn Xuyến (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng phải thử đủ cách để tắm cho con mà không lo con bị ốm. Ngoài máy sưởi bật sẵn, hâm nóng phòng tắm, Xuyến còn cẩn thận xả đầy một chậu nước nóng bốc hơi nghi ngút ở góc phòng tắm nhưng phải để thật xa và đảm bảo hơi nước không làm bỏng hai mẹ con.

Mình cởi quần áo nhanh cho con, rồi thả bé vào chậu nước ấm đã chuẩn bị sẵn. Phải để mực nước ngập người bé thì bé mới không bị lạnh. Một tay mình đỡ lấy vai và cổ con (nếu bé nằm ngửa), ngực và vai con (nếu bé nằm sấp). Mình tránh tỳ mạnh tay ở cổ con vì sợ con nghẹt thở. Tay còn lại thì tha hồ kỳ cọ người cho bé” – Xuyến kể.

Xuyến chia sẻ, quan trọng là mẹ cần thao tác thật nhanh, không được để bé ngâm nước lâu. Chậu tắm không được to quá, cũng không được nhỏ quá. Bởi vì nhỏ quá thì khó tắm cho con, còn to quá thì tốn nhiều nước mà lại sợ bé bị lạnh. Khi pha nước tắm, có thể dùng nhiệt kế để đo, nhiệt độ nước tắm bằng với thân nhiệt người lớn (37ºC) là được hoặc trời rét quá và với bé lớn hơn thì tăng lên 39-40ºC. Nhiệt độ trong phòng tắm ở mức 22-24ºC là được.

Cũng tận dụng hơi nước ấm từ chậu nước nóng như Xuyến là Huyền (Đống Đa, Hà Nội). Nhưng thay vì đổ đầy một chậu, Huyền chia nhỏ các chậu nước nóng ra rồi kê đều ở các góc phòng tắm. Nhưng hơi nước không được nóng đến mức gây bỏng. Theo Xuyến, tốt nhất chỉ áp dụng cách này với những bé còn nhỏ. Với bé lớn và hiếu động thì không nên vì bé có thể chạm vào chậu nước nóng. Cộng với việc bật quạt sưởi, việc tắm cho cậu con trai 1 tuổi rưỡi, với Huyền không quá khó khăn.

Huyền chia sẻ thêm kinh nghiệm, phải lau thật khô người rồi mới mặc quần áo cho con. Quần áo nên chuẩn bị sẵn, hâm ấm bằng máy sưởi và xếp theo trình tự. Sau khi tắm, nên bọc con bằng khăn xô rồi quấn ngoài là khăn bông. Lúc đưa bé vào phòng ấm mặc đồ, dùng luôn khăn xô này lau người cho bé trong khi vẫn quấn khăn bông. Nếu trời lạnh quá, có thể dùng máy sưởi hâm nóng quần áo cho con trước. Mặc ấm cho con xong thì mới vệ sinh mắt, mũi, tai, miệng.

Minh Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm ấm phòng tắm cho con bằng cách xối vòi hoa sen nước nóng khắp phòng tắm trước, cho ấm phòng lên. Phòng tắm phải kín gió và nên dùng đèn sưởi vào tận phòng tắm. Theo Minh Anh, nên chuẩn bị kỹ càng và tắm cho con thật nhanh. Tắm xong thì nên để bé ngồi trước quạt sưởi một lúc cho ấm người, không nên mang con ngay sang phòng khác, nhất là phòng có gió lạnh hay ra bên ngoài. Có thể cho bé uống một ít nước ấm hay sữa ấm ngay sau đó cho ấm người.

Thế nào là sữa sạch?

Sữa sạch - Hiểu thế nào cho đúng?

Trong các loại thực phẩm, sữa được chú trọng đặc biệt bởi sữa chính là nguồn dinh dưỡng thiết yếu, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thể chất và trí tuệ con người, đặc biệt là đối với trẻ em.
Sau những sự cố về sữa như sữa kém chất lượng, sữa nhiễm melamine, sữa có hàm lượng đạm thấp, người tiêu dùng có phần dè dặt hơn trong việc chọn loại sữa đáp ứng đủ tiêu chí sạch, an toàn, bổ dưỡng cho gia đình. Thế nhưng vấn đề lớn nhất đối với người tiêu dùng là họ chưa hiểu đúng về sữa sạch và như thế rất khó để họ chọn cho mình một loại sữa phù hợp và đúng đắn.

Vậy thế nào là sữa sạch? Và sự thật trong từng giọt sữa sạch là gì? Để trả lời câu hỏi đó, mỗi người có một cách tiếp cận riêng. Chị Hải Q.1 cho biết chị lên mạng tìm kiếm thông tin nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng bởi kiến thức về sữa sạch trên Internet khá tản mác và không chính thống. Một số chị em khác chia sẻ họ thường dùng cảm tính để phán đoán loại sữa nào sạch và tốt cho gia đình chứ không tìm hiểu ngọn ngành nguồn gốc hay quy trình sản xuất sữa sạch. Còn trên các diễn đàn dành cho những bà mẹ, một số chị em lại chia sẻ cho nhau một phương pháp thú vị hơn, đó là tham gia trả lời câu hỏi trắc nghiệm về sữa sạch trên trang thông tin http://www.thmilk.vn/. Các chị cho biết, với cách trả lời trắc nghiệm này, các chị vừa có thể kiểm chứng lại những hiểu biết về sữa sạch của mình, vừa có thể tích lũy thêm những thông tin hữu ích, từ đó có cơ sở để nhận định loại sữa nào sạch, tốt cho gia đình.


Để có một nguồn sữa sạch, nhất thiết phải có những con bò khỏe mạnh và được chăm sóc tốt

Để có một cái nhìn toàn diện hơn, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn - những chuyên gia trong vấn đề dinh dưỡng, sức khỏe. Theo một số chuyên gia dinh dưỡng, sữa sạch trước hết phải là sữa được sản sinh từ những cô bò khỏe mạnh được chăn nuôi trong chuồng trại tập trung, được nuôi dưỡng với nguồn thức ăn tự nhiên và nguồn nước tinh khiết, được theo dõi kiểm tra sức khỏe bằng những phương pháp vi tính hóa hiện đại. Bên cạnh đó, sữa phải được chế biến, bảo quản, phân phối với công nghệ tiên tiến, an toàn nhằm giữ vẹn nguyên những dưỡng chất tự nhiên của sữa, đồng thời đảm bảo nguồn sữa không bị lẫn tạp chất hay mất dần chất dinh dưỡng trong quá trình vận chuyển.

Hiểu thế nào cho đúng về sữa sạch, đó là cả một vấn đề vì sữa là thực phẩm tối quan trọng mà cơ thể chúng ta bổ sung hàng ngày. Chỉ khi hiểu đúng và đủ thì bạn mới chọn đúng sản phẩm sữa sạch đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình

10 “không” khi cho con bú

1. Mặc cả áo khoác cho bú
Mẹ đi ra ngoài về, trên quần áo luôn dính theo rất nhiều loại vi rút, vi khuẩn và các vật chất có hại mà mắt thường không nhìn thấy được, vì vậy không nên cho bé bú ngay, bất luận có vội đến đâu cũng phải cởi bỏ áo ngoài, rửa mặt rửa tay sạch sẽ rồi mới cho bé bú.  
2.Cho bú khi đang cáu giận
Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia sinh lý học Mỹ, khi cáu giận cơ thể sẽ sản sinh ra các độc tố. Người mẹ không nên cho con bú khi đang cáu giận hoặc vừa mới hết cơn cáu giận, để tránh cho bé bú phải sữa mẹ có độc tố.

3.Cho bú khi hoá trang đậm
Mùi cơ thể mẹ rất có sức hấp dẫn để bé có tâm trạng vui vẻ khi bú, nói cách khác, mùi cơ thể mẹ giúp bé bú dễ dàng và ngon miệng hơn. Nếu mùi nước hoa hay mùi mỹ phẩm át hết cả mùi cơ thể bạn thì bé sẽ khó thích ứng, tâm trạng buồn chán, ăn không ngon miệng, bữa bú của bé sẽ không có chất lượng.

4.Cho bú nằm
Dạ dày của bé gần như thẳng, vì vậy cho bú ở tư thế nằm bé sẽ dễ bị nôn trớ. Sau khi cho bé bú bạn nên thực hiện các động tác giúp bé ợ hơi. Bế dựng bé lên, vỗ nhẹ vào phần lưng phía trên cho đến khi nghe thấy bé ợ hơi là được.

5.Cười đùa khi cho bú
Nguyên tắc là khi nuốt thì thực quản mở ra, thanh môn đóng vào, còn khi cười nói thì ngược lại. Vì vậy nếu bé đang bú mà để bé cười đùa sẽ khiến thanh môn của bé mở ra, sữa dễ rơi xuống khí quản, nhẹ thì viêm họng nặng thì dẫn tới viêm phổi.

6.Cho bú ngay khi vừa mới tập thể dục
Sau khi vận động cơ thể người mẹ sẽ sản sinh ra sữa chua, khiến bé không muốn ăn. Cho nên đang trong thời gian cho con bú người phụ nữ nên vận động nhẹ nhàng, sau khi vận động nên nghỉ ngơi một lát trước khi cho con bú.

7.Mặc đồ lót dệt bằng sợi hoá học
Rất nhiều khả năng các sợi hoá học có thể rụng ra và làm tắc tuyến sữa. Vì vậy các bà mẹ nên mặc đồ lót dệt từ sợi bông là tốt nhất.

8.Thực đơn không khoa học
Người mẹ đang cho con bú nên ăn uống đủ chất. Bởi vì sự phát triển của bé cần một lượng lớn protein, axít béo không no, nguyên tố vi lượng và khoáng chất, mà những nguyên tố dinh dưỡng này tồn tại chủ yếu trong những bữa ăn giàu đạm. Đặc biệt không nên ăn nhiều mì chính, mì chính đối với người lớn là an toàn nhưng thành phần chủ yếu của nó sẽ thâm nhập vào sữa và vào cơ thể bé, khiến bé bị thiếu nguyên tố kẽm, ảnh hưởng đến sự phát triển trí năng và vóc dáng.

9.Dùng xà bông rửa nhũ hoa
Để giữ cho nhũ hoa đợc sạch sẽ thì việc vệ sinh thường xuyên là cần thiết, nhưng không nên rửa bằng xà bông, bởi xà bông có chất tẩy sẽ lấy đi lớp sừng trên bề mặt da, ảnh hưởng đến tác dụng bảo vệ, khiến bề mặt da bị “ăn mòn”, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, lâu dần có thể dẫn tới viêm nhũ hoa. Cách tốt nhất là rửa sạch bằng nước ấm.

10. Giảm béo trong thời gian cho con bú
Phụ nữ mới sinh thường béo, không ít bà mẹ vội vã ăn ít mỡ để giảm béo. Mỡ là thành phần rất quan trọng trong sữa mẹ. Nếu lượng mỡ trong thức ăn của người mẹ giảm đi, thì cơ thể người mẹ sẽ tự động dùng tới lượng mỡ dự trữ trong cơ thể để sản sinh ra sữa, nhưng mỡ dự trữ có những chất hoàn toàn không có lợi cho sức khoẻ của bé. Vì vậy, để an toàn cho bé các bà mẹ chỉ nên giảm béo sau khi cai sữa

Bye bye "cứt trâu"!

Mái tóc đẹp luôn là biểu tượng của một sức khỏe tốt. Để tóc của bé mọc tốt và khỏe, cần chăm sóc bé từ những tháng đầu của cuộc đời.

Khác biệt Các bà mẹ thường rất thích nhớ lại hình ảnh con mình lúc mới sinh ra. Có một số bé đầu trọc lốc khi mới sinh, một số khác lại đội sẵn cả “cái rế” trên đầu. Trong cả hai trường hợp các bà mẹ đều lo lắng hỏi bác sỹ và được cho biết điều đó hoàn toàn bình thường.
Những lọn tóc đầu thường rất mềm, giống như nắm bông vậy. Đến khi được 2-3 tháng “tóc máu” đó rụng hết và được thay thế bằng những sợi tóc cứng hơn. Nhiều bé còn bị “hói” từng vùng lúc mới sinh, có thể ở sau gáy hoặc có ở một bên đầu. Đó là do để bé nằm một tư thế lâu quá - hoặc là nằm ngửa, hoặc nằm nghiêng. Để tránh hiện tượng này, bạn nên thường xuyên thay đổi vị trí nằm cho con. Khi bé tỉnh, nên tập cho bé nằm sấp (rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé cũng như sự phát triển của các cơ cổ, cơ tay). Bạn hãy chú ý khi bé thức, theo phản xạ bé sẽ quay đầu về hướng có đèn. Vậy nên bạn hãy đặt bé theo các hưỡng khác nhau trong cũi. Điều này ảnh hưởng không những đến việc mọc tóc của bé, mà còn tới hình dáng đầu của bé. Nếu gáy của bé bị mồ hôi và hơi “hói”, có thể bé bị còi xương. Khi thấy hiện tượng như vậy, bạn hãy lập tức thông báo cho bác sỹ.

 
Chăm sóc dịu dàng
Chăm sóc tóc cho bé rất đơn giản. Một tuần gội đầu cho bé một lần bằng loại dầu gội cho trẻ nhỏ với độ pH cân bằng. Trong khi tắm, chú ý không để nước và dầu gội bắn vào mắt bé. Để được như vậy, bạn hãy khéo lau bọt từ phía trán ngược ra sau gáy. Sau khi tắm, bạn hãy lau đầu cho bé bằng khăn bông mềm, và nếu trong phòng hơi lạnh, hãy đội ngay cho bé chiếc mũ bằng vải bông.
Ngày xưa ông bà chúng ta thường đợi tới thôi nôi mới cắt tóc cho bé, và lọn tóc đó được lưu giữ trân trọng. Ngày nay người ta không cần đợi cả năm mới cắt tóc mà cắt luôn khi thấy tóc dài, nếu không bé sẽ bị mồ hôi trộm. Khi cắt tóc bạn hãy dùng kéo không nhọn để không làm xước đầu bé. Nên cắt tóc cho những bé năng động khi các em ngủ. Tuy tóc của bé còn thưa nhưng bạn nên chải đầu cho bé thường xuyên (bằng lược đặc biệt dành cho trẻ nhỏ).
Đôi lúc trên đầu bé xuất hiện những vẩy mỡ, thậm chí có thể ở cả lông mày và sau tai. Đây là hiện tượng viêm da mà trong dân gian các cụ vẫn gọi là “cứt trâu”, thường sẽ hết khi bé lớn hơn. Bác sỹ cho rằng đó có thể là do bé dị ứng với chất đạm của sữa bò hoặc một loại thực phẩm nào đó. Những vẩy này cản trở việc móc tóc và gây khó chịu cho da đầu vậy nên cần gột rửa. Tuyệt đối không được lấy móng tay cậy ra. Cần phải hết sức nhẹ nhàng gội cho bé để không bị xước. Bạn chú ý không để bé bị mồ hôi và không để da đầu bé khô quá (không gội thường xuyên bằng dầu gội đầu). Lactacyd BB của hãng Sanofi – Synthelabo là một sự lựa chọn tốt cho các bé khi bị viêm da. Nếu gội rửa nhưng vẩy không hết, bạn cần trao đổi với bác sỹ để điều chỉnh chế độ ăn uống của bé hoặc có những biện pháp đặc biệt khác.

Cách điều trị viêm da đầu (cần thực hiện một vài đợt)
1 Hâm nóng dầu thực vật hoặc dầu cho trẻ em (baby oil) và để nguội xuống bằng nhiệt độ trong phòng.
2 Dùng bông gòn thấm vào dầu và thoa lên những chỗ bé bị vẩy. Đợi 10-15 phút cho thấm.
3 Dùng lược có răng không nhọn chải các chỗ có vẩy.
4 Gội đầu cho bé bằng dầu gội cho sạch dầu và những vẩy bong.
5 Sau khi tắm, bạn lau đầu cho bé bằng khăn bông và nếu trời lạnh, đội mũ cho bé.

Khi trẻ thích cắn

Đôi khi bạn thấy trẻ có những hành vi kỳ cục, dùng răng để phản ứng. Liệu hành vi đó có bình thường?

 Ngôn ngữ của răng
Đón con từ nhà trẻ, bỗng bạn phát hiện trên mình bé có không ít vết cắn. Bạn không hài lòng và gọi điện phàn nàn về sự thiếu giám sát của các cô giáo. Trên thực tế, hành động cắn xảy ra bất thình lình, ngay cả khi cô giáo đứng bên cạnh cũng khó có thể ngăn cản kịp thời. Hơn nữa, cắn là điều bình thường ở hầu hết các trẻ nhỏ và nhất là trong môi trường tập thể. Trẻ vẫn đang trong giai đoạn khám phá thế giới bằng miệng. Có lúc trẻ cắn đồ vật, cắn mẹ hay người giúp việc, khi khác, trẻ dùng miệng để tấn công những người xung quanh. Trẻ hay cắn không phải do bản tính độc ác, mà do đang trải qua giai đoạn hung hăng đột phát. Dần dần bé sẽ học cách kiềm chế hơn. Đây là hành vi nguyên thủy và bị cho là thô lỗ, nhiều cha mẹ coi đó là rối loạn hành vi. Trẻ cắn khi hưng phấn hay vui sướng, hành động mà không biết đến hậu quả và chính “thủ phạm” cũng ngạc nhiên và buồn như nạn nhân. Ngoài nhu cầu thể hiện ra ngoài tính hung hăng, hành vi này còn gửi những thông điệp tùy theo lứa tuổi và động cơ.
• Dưới 2 tuổi, trẻ cắn để thể hiện tình yêu hay cảm nhận hơi ấm của mẹ. Nghiêm trọng hơn khi đó là cách bé dùng để phản đối cự lực mẹ hay người khác.
• Lớn hơn một chút: trẻ thể hiện sự lên án có động cơ vì một lý do rõ ràng (bé vừa la mắng, cấm làm một việc gì đó) hay ngấm ngầm (ganh tỵ với em trai, một bạn ở nhà trẻ…). Thay vì dùng lời, trẻ lựa chọn cách tấn công bằng răng.

Những nạn nhân
• Nạn nhân đầu tiên thường là mẹ. Trong tâm trí bé, luôn có hai người mẹ, một tốt bụng luôn thỏa mãn mọi yêu cầu của trẻ và một người độc ác từ chối bé một điều gì đó. Dần dần, hai hình ảnh này mới chồng khít làm một. Khi bé cắn, cần ngăn chặn kịp thời hành vi này, nếu việc đã xảy ra thì không nên kêu lên hay có phản ứng cắn đùa lại bé (điều đó củng cố thêm hành vi này ở trẻ), cũng không nên đánh bé. Cách ứng xử của mẹ có ý nghĩa quyết định, được trả lời thích đáng, trẻ sẽ không lặp lại nữa. Bạn phải tìm cách cho con hiểu rằng cắn là không tốt và dạy con cách chuyển hóa, làm chủ xung năng tiêu cực này. Từ 1- 3 tuổi, trẻ thường “trắc nghiệm” các phản ứng của mẹ bằng cách dùng răng cắn.
• Ở trường mầm non, mẫu giáo, người ta nhận thấy những đứa trẻ cùng tuổi thường cắn nhau, do gặp khó khăn trong việc diễn đạt bằng lời. Vì vậy, hành vi này thể hiện sự ngấu nghiến giao tiếp, một thời điểm tình cảm khó khăn hay là sự ganh tỵ.
• Giữa anh chị em ruột cũng thường gặp do ganh ty. Nếu trẻ cắn em thường xuyên, chắc chắn là để trừng phạt em trai đã “lấy đi” một phần tình cảm của bạn dành cho trẻ. Cần an ủi và cho bé lớn thấy bạn cũng rất yêu bé lớn. Nếu tình trạng kéo dài, đó thực sự là một cuộc xung đột và những ý kiến tư vấn của bác sỹ tâm lý là rất cần thiết.

Giúp trẻ bớt hung hăng
Cắn là một trong những cách thể hiển rõ ràng nhất tính hung hăng mà trẻ không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ, giống như ném đồ chơi, giẫm lên hoa...
• Cách điều trị trước tiên bằng hành động: giúp trẻ giải phóng năng lượng bằng các trò chơi thể chất như là chơi bóng.
• Không để bé làm việc đó, bởi đây là một cách thức giao tiếp gây đau đớn ngời khác. Những câu nói rõ ràng của mẹ cùng yêu cầu trẻ xin lỗi là cách lý tưởng dạy trẻ phải làm gì. Hãy cho trẻ thấy cần phải tìm cách thể hiện khác.
• Nếu nạn nhân là các bạn cùng lớp, hãy quan tâm đến “nạn nhân” và bỏ lờ thủ phạm một lúc, chừng vài phút. Sau đó, tận dụng cơ hội để dạy trẻ vài điều: “Người ta không được làm thế với bạn bè. Con có thể không yêu quý bạn nhưng không được làm bạn đau”.

• Quan sát hành vi của trẻ liên quan và tìm hiểu khi nào và tại sao trẻ lại cắn bạn.
• Để mắt đến môi trường chơi xung quanh để tránh các vụ tranh chấp đồ chơi, đánh nhau hay những tình huống khích động bé cắn.
• Cần có sự hợp tác giữa nhà trẻ và gia đình để chấm dứt thái độ này.
• Nói rõ với trẻ rằng hành vi này là không thể chấp nhận được và sẽ không được tha thứ. Trẻ nhỏ có thời gian tập trung ngắn và cần có những phản ứng rõ ràng và ngay lập tức, tránh các câu nói mơ hồ như: “Bây giờ con phải tử tế với em”. Trẻ chưa liên hệ được giữa việc cắn với hành vi tử tế. Tốt nhất là nói rõ ràng: “Con chỉ cắn quả táo mẹ đưa chứ không được cắn người khác nhé”.
• Tuyệt đối không cắn đùa lại trẻ, bởi nếu không trẻ hiểu hành vi đó được chấp nhận.

Giúp bé giảm béo

Từ trước đến nay chúng ta thường chỉ quan tâm và lo lắng khi bé bị suy dinh dưỡng, tuy nhiên có một điều chúng ta không biết đó là: việc chữa chứng suy dinh dưỡng dễ hơn nhiều so với chữa chứng béo phì ở trẻ. Trong đó ngoài các nguyên nhân do di truyền thì phần lớn trẻ bị béo phì là do chế độ ăn uống không hợp lý.
Trước hết ta thấy một thực tế rằng việc để trẻ mắc chứng béo phì có một phần không nhỏ là do lỗi của người mẹ. Chúng ta thường nghĩ rằng bé béo là những bé khoẻ mạnh vì vậy nếu trẻ không ăn được chúng ta thường ép chúng ăn, còn nếu chúng ăn được thì các bà mẹ lại cố cho chúng ăn càng nhiều càng tốt. Chính vì quan niệm sai lầm này mà tỷ lệ trẻ bị béo phì ngày càng tăng cao. Không thể phủ nhận rằng trẻ rất cần các loại thực phẩm giầu dinh dưỡng như tinh bột, rau, thịt cá, xương, tôm cua, sữa,... để phát triển chiều cao và trí thông minh. Tuy nhiên chỉ cần mỗi ngày cơ thể trẻ dư khoảng 60-70kcal và tình trạng này kéo dài trong vài tháng thì trẻ sẽ bị béo phì ngay. Bạn có thể dễ hình dung hơn nếu quy số calo dư thừa này thành 6 chiếc kẹo, một chai nước ngọt nhỏ, một muỗng sữa đặc có đường hay một chiếc bánh nhỏ. Những thứ mà chúng ta thường cho rằng chẳng thấm tháp gì. Không những thế, với một lịch học dầy đặc như hiện nay trẻ không có điều kiện để dành cho những vận động thể thao, còn bố mẹ thì lại cho rằng trẻ học tập vất vả cần được bồi dỡng thật nhiều. Tuy nhiên ngoài yếu tố hình thức thì những bà mẹ lại không biết rằng hệ luỵ của chứng béo phì không hề nhỏ chút nào. Trẻ bị béo phì thường chậm chạp, vụng về và hay bị bạn bè chế giễu, và theo thống kê thì khoảng 80% trẻ béo phì sẽ không thoát khỏi căn bệnh này khi trưởng thành. Không những thế béo phì còn gây ra các bệnh nguy hiểm như viêm khớp, tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn lipid,…
Ở trẻ, tuổi dễ bị mập nhất là dưới một tuổi và sau dậy thì, với hai giai đoạn nhạy cảm là: trong 2 năm đầu và từ 4 đến 11 tuổi.

Nguyên tắc chung trong điều trị mập phì ở trẻ.
  • Cần tìm hiểu sở thích về thực phẩm của trẻ để thực hiện chế độ ăn cho phù hợp, tránh tình trạng bắt trẻ ăn toàn những thứ chúng không thích hay ngược lại.
  • Thực phẩm cho trẻ mập vẫn cần đủ năng lượng, chất đạm, chất béo, vitamin, muối khoáng theo nhu cầu để không làm kìm hãm sự tăng trưởng của trẻ. Tuyệt đối không nên cho trẻ ăn chay.
  • Nên dùng sữa gầy cho trẻ, hạn chế dùng sữa nguyên kem. Sữa đặc có đường cần được thay bằng sữa tươi hoặc sữa bột.
  • Không để trẻ quá đói hoặc bỏ bữa, vì như vậy, trẻ sẽ ăn bù vào bữa sau, rất dễ gây tích lũy mỡ.
  • Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau cải, trái cây tươi, thức ăn giàu chất xơ như khoai, bắp, mì sợi thay cho các đồ quay, rán, chiên xào.
  • Tránh các loại nước ngọt có ga, nên uống nước ép trái cây, không nên uống các loại nước ngọt có pha hương vị trái cây.
  • Không khen thưởng trẻ bằng các loại thức ăn ngọt và béo. Tuyệt đối tránh tạo nên tâm lý lệch lạc ở trẻ “Ngoan thì mẹ cho ăn bánh, sô-cô-la, đùi gà chiên …”
  • Tránh cho trẻ nhai kẹo cao su vì nó làm cho chúng lúc nào cũng muốn nhai.
  • Không tích trữ những đồ ăn giàu năng lượng trong nhà, chỉ để các loại trái cây có nhiều nước và ít ngọt như mận, bưởi, táo, dưa leo…
  • Tăng cường cho trẻ vận động. Ngoại trừ việc cho trẻ đi tập thể thao, bạn còn có thể khuyến khích trẻ tự thu dọn đồ, leo lên leo xuống cầu thang, xách nước tưới cây… để tiêu hao nhiều năng lượng hơn. Hạn chế cho chúng xem tivi, video, chơi điện tử hay ngồi một chỗ quá lâu.

Vì sao trẻ ngáy

Bạn cần phải đề phòng tiếng thở dồn dập, ngắt quãng hoặc khò khè của bé trong khi ngủ. Can thiệp kịp thời bạn sẽ giúp bé ngăn ngừa được bệnh tật...  
Thể lực và sự năng động trí tuệ của bé phụ thuộc vào chất lượng giấc ngủ của bé. Một giấc ngủ dài là những giai đoạn xen kẽ lẫn nhau trong đêm (giấc ngủ sâu, giấc ngủ ngắn). Muốn phát triển bình thường và khỏe mạnh, bé cần trải qua tất cả các giai đoạn đó. Khi bé ngủ bạn hãy đến cạnh giường và theo dõi giấc ngủ của bé xem bé trở mình bao nhiêu lần, tư thế ngủ có thoải mái không, nhịp thở có đều không? Bình thường thì nhịp thở của bé phải đều và nhẹ. Tiếng khò khè hoặc có dấu hiệu ngáy cần được quan tâm chú ý ngay.
Nếu chỉ là hiện tượng một vài lần thì bạn không cần lo lắng. Nhưng nếu đó là hiện tượng lặp lại thường xuyên thì bạn cần tham khảo ý kiến bác sỹ ngay.

Tìm hiểu nguyên nhân
Khi ngủ, các cơ họng mềm ra và tuyến thở hẹp hơn bình thường. Bất cứ sự viêm nhiễm nào hoặc amiđan to ra đều cản trở không khí. Việc hít vào khó khăn vì vậy các cơ họng rung, do đó mới có tiếng khò khè.
• Viêm amiđan là bệnh trực tiếp liên quan đến đường hô hấp. Khi amiđan bị viêm, tính chất bảo vệ đường hô hấp bị tê liệt vì vậy vi trùng có thể xâm nhập. Những biểu hiện ban đầu thường xuất hiện vào ban đêm: ho khan, nhịp thở dồn dập và to, mũi nghẹt. Nếu không chữa trị ngay, amiđan sẽ bị viêm và chặn đường thở của mũi. Bé sẽ nói “không ra hơi” và chỉ thở được bằng miệng. Bác sỹ sẽ khuyên dùng thuốc rửa họng, xịt, và các thuốc đặc trị khác. Cần thực hiện lời khuyên của bác sỹ để sớm giải quyết vấn đề.
• Dị ứng cũng có thể gây ra tiếng ngáy. Khi đường hô hấp bị viêm, không khí khó lọt qua được nên gây ra tiếng khò khè. Để “giải tỏa”, bạn cần dùng các loại kẹo ngậm và thuốc chống dị ứng họng. Đặc biệt là phải đến gặp bác sỹ ngay để loại bỏ nguyên nhân gây dị ứng.
• Hiện tượng ngừng thở bất thường được chuẩn đoán khi bé có tiếng khò khè ngắt đoạn, không đều và tương đối to. Bạn rất dễ nhận ra những đoạn thở chậm. Sau mỗi đợt thở như vậy, bé thường rùng mình và hít vào vài hơi. Ngoài các loại thuốc, cần phải có chế độ ăn uống hài hòa, các bài tập cho cơ quan phát âm.
• Cấu tạo của cơ họng cũng có thể là lý do của việc bé khó thở khi ngủ. Có thể do đường thông mũi hẹp, hoặc vì lý do bẩm sinh hoặc tai nạn, vòm mũi bị lệch. Bạn chớ nên trì hoãn việc gặp bác sỹ. Nếu gặp phải trường hợp này, cần phải sớm phẫu thuật để loại bỏ tiếng ngáy. Bé sẽ được gây mê toàn thân khi phẫu thuật.

Hãy điều trị!
Kể cả trong trường hợp sức khỏe của bé không có gì đáng phàn nàn, bạn cần luôn luôn có các biện pháp phòng ngừa. Cần giải thích cho bé rõ vào mùa lạnh rất dễ bị cảm. Bạn cần dạy con cách quàng khăn, đội mũ, cài áo và tránh những nơi gió lùa. Bạn hãy chọn loại giày không thấm nước cho bé đi. Còn một điều tương đối quan trọng nữa - đó là nguyên tắc vệ sinh. Nhất thiết phải nhắc bé rửa tay sau khi đi chơi về và trước khi ăn. Nếu tuân theo những nguyên tắc đó, bé sẽ được bảo vệ tốt, còn bạn sẽ thấy yên tâm hơn.

Khi bé có bất cứ biểu hiện bất thường nào, bạn cần lưu tâm ngay. Cần đưa bé đi khám ngay khi có những biểu hiện sau:
• Bé quấy khóc, biếng ăn
• Bé hay khóc và thức giấc giữa đêm
• Bé thở bằng miệng
• Bé mệt mỏi, chậm lên cân

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Những thói quen xấu trong ăn uống cần tránh cho bé

Khi bé 1 – 3 tuổi, có thể bạn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc cho bé ăn, bé sẽ mè nheo, không chịu ăn, hoặc có khi bữa ăn của bé kéo dài hàng tiếng đồng hồ khiến bạn cảm thấy vô cùng mệt mỏi và stress. Nếu không muốn tình trạng đó xảy ra bạn hãy chú ý tránh cho bé một số thói quen xấu trong ăn uống.

Không tùy tiện cho trẻ ăn vặt

Phần lớn trẻ ăn uống không theo nếp, giờ giấc và hay đòi ăn vặt, đặc biệt là bánh kẹo, hoa quả, các loại thức ăn ngọt... Đến bữa, trẻ thường chán cơm, biếng ăn, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng gầy còm.

Nếu trẻ luôn ăn vặt sẽ buộc dạ dày, đường ruột, các cơ quan tiêu hóa phải làm việc liên tục, không được nghỉ ngơi, làm cho quá trình tiết dịch tiêu hóa giảm sút, các cơ quan tiêu hóa không thể làm việc với tần số cao được nữa và sẽ dẫn đến tình trạng tiêu hóa kém. Ngoài ra, ăn vặt khó bảo đảm vệ sinh, dễ gây ra bệnh viêm gan, bệnh lỵ và các chứng rối loạn tiêu hóa khác.

Các thức ăn vặt, nhất là đường, kẹo, bánh ngọt, socola có chứa khá nhiều chất béo, khó tiêu hóa. Sau mỗi lần ăn vặt, việc cung ứng nhiệt lượng cho cơ thể có thể tạm coi là đã thỏa mãn, sẽ không còn cảm giác đói bụng, thèm ăn, vì vậy đến bữa ăn sẽ, chán cơm và ăn không thấy ngon miệng, không ăn được đủ lượng cần thiết, làm mất cân đối tỷ lệ các chất dinh dưỡng, thể trọng sẽ giảm sút, thể lực suy kiệt, trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe. Chính vì thế, cần hạn chế tối đa cho trẻ ăn vặt.

Ăn uống điều độ, đúng bữa sẽ tạo điều kiện cho dạ dày làm việc, nghỉ ngơi theo một chế độ nhất định, có quy luật, tạo điều kiện cho nhu động ruột tiến hành thuận lợi, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn.

Không nên ăn vội vàng

Nếu trẻ ăn quá nhanh, cơm và thức ăn chưa được nhai kỹ trẻ đã nuốt, khiến dạ dày phải làm việc tần suất cao để co bóp, nghiền nát thức ăn. Lúc này, men tiêu hóa chưa được tiết ra đầy đủ số lượng, nên thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn và nước bọt chưa hòa trộn được vào thức ăn, men tiêu hóa chưa thể phát huy tác dụng được, điều này ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn; sẽ gây nên rối loạn tiêu hóa và các bệnh đường ruột khác.

Vì vậy, trẻ ăn cơm, phải ăn chậm nhai kỹ, mỗi bữa ăn phải mất khoảng 20 phút, để ruột và dạ dày có thời gian tiết đầy đủ các dịch tiêu hóa, đảm bảo thức ăn ăn vào được tiêu hóa tốt, hấp thụ được hoàn toàn, và tạo thành một khối rồi mới đưa vào dạ dày, ruột. Như vậy, giảm nhẹ được gánh nặng của dạ dày và đường ruột một cách tương ứng.

Đồng thời thức ăn được nhai kỹ, nhai đầy đủ còn giúp cho xương hàm phát triển, tăng cường sức đề kháng cho răng và vùng quanh răng; có thể làm cho trẻ cảm nhận được vị ngọt của thức ăn mà trẻ đang nhai, từ đó cảm thấy ngon miệng và muốn ăn.


Không nên vừa ăn vừa xem sách báo

Trẻ em khi ăn, công việc chủ yếu của não là cần chi phối tốt dạ dày và đường ruột, tăng cường việc cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho dạ dày và đường ruột, tiến hành tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Nếu vừa ăn vừa đọc sách, xem báo, vùng đại não chủ yếu phụ trách việc ghi nhớ và học tập cũng phải đòi hỏi được cung cấp đầy đủ oxy và các chất dinh dưỡng, lượng máu đưa đến dạ dày và đường ruột sẽ bị hạn chế, giảm sút, mà lượng máu đại não cần cũng không đáp ứng nổi, kết quả là, dẫu có xem sách, xem báo thì cũng không nhớ được gì, mà còn ảnh hưởng tới các chức năng của dạ dày, đường ruột, và sự nghỉ ngơi của não, gây nên hiện tượng trí nhớ bị suy giảm. Cho nên, không nên cho trẻ vừa ăn vừa xem sách báo, đó là một thói quen có hại, cần tránh.

Không nên ăn uống quá no

Bố mẹ cần bố trí hợp lý số bữa ăn, giờ ăn, số lượng cơm và thức ăn trong một lần ăn. Chớ để trẻ ăn uống quá no, quá căng bụng, vượt quá sức chứa bình thường của dạ dày.

Quá nhiều thức ăn được tống vào dạ dày, dịch tiêu hóa không tiết ra kịp, sẽ gây rối loạn tiêu hóa. Cũng do ăn quá no, dạ dày bị dồn nén, không co bóp nổi, khả năng nhu động giảm sút, bụng căng lên do máu dồn về dạ dày quá nhiều, làm cho các cơ quan nội tạng quan trọng khác như não và tim bị thiếu máu, thiếu oxy cục bộ, làm cho cơ thể mệt mỏi, rã rời chân tay. Cũng có thể tăng thêm gánh nặng cho tuyến tụy, gây viêm tụy.

Uống phềnh bụng, uống căng bụng là uống quá nhiều trong một thời gian ngắn, có thể làm cho dạ dày bị dãn cấp tính, dịch vị cũng bị loãng, đồng thời với lượng nước quá lớn, trong phút chốc tuôn trào vào máu và các tổ chức cơ thể khác, có thể gây phù, thậm chí bị phù não lại càng thêm nguy hiểm. Chính vì vậy, không nên cho trẻ ăn căng bụng, uống lồi rốn trong một thời gian ngắn, sẽ có hại cho việc phát triển cơ thể của trẻ.

Cần kịp thời uốn nắn tật ăn chọn của trẻ

Cơ thể trẻ đang trong giai đoạn phát triển, trưởng thành, đòi hỏi các chất dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ và toàn diện, cho nên tuyệt nhiên không thể để trẻ ăn chọn, thích gì ăn nấy sẽ ảnh hưởng xấu tới quá trình phát triển bình thường của trẻ.

Do thành phần dinh dưỡng của từng loại thức ăn khác nhau, cùng một lúc ăn nhiều loại thức ăn, chúng có thể bổ sung cho nhau được. Nếu trẻ có thói quen ăn chọn, kén ăn những thức ăn ngon miệng mà mình ưa thích, rất có thể sẽ không nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, đồng thời cũng sẽ hạn chế tác dụng thúc đẩy tương hỗ giữa các thành phần dinh dưỡng trong thức ăn, bất lợi cho việc phát huy đầy đủ tác dụng qua lai bổ sung cho nhau của các chất dinh dưỡng. Ngoài ra, ăn chọn, ăn lệch cũng có thể làm cho trẻ khó thích nghi với các môi trường hoàn cảnh sống khác nhau, gây khó khăn cho cuộc sống lao động và học hành sau này.

Ăn chọn còn có thể gây cho trẻ những hiện tượng tâm lý khác, làm nảy sinh ra thói xấu kén cá chọn canh đối với mọi sự vật sung quanh, gây nên những tác hại cho việc phát triển toàn diện cơ thể và tâm lý trẻ.

Ăn chọn, kén ăn, thông thường không phải do bệnh tật gây nên, vì vậy, ngay từ khi bắt đầu tập ăn đã phải chú ý uốn nắn ngay, không cho hình thành thói hư kén ăn của trẻ. Một khi đã hình thành thói quen ăn chọn, kén ăn, phải lập tức kịp thời uốn nắn ngay, chỉ cần kiên trì và quyết tâm, chắc chắn sẽ thực hiện được.

Làm gì để bé không biếng ăn?

Lười ăn ở trẻ em rất dễ đến suy dinh dưỡng, chậm lớn… Trẻ lười ăn cũng có thể do yếu tố tâm lý, không vui, mệt mỏi… Sau đây là một vài biện pháp để khắc phục điều đó.

Tạo tâm lý trước bữa ăn thật nhẹ nhàng, thoải mái

Khung cảnh phòng ăn nên gọn gàng, sạch sẽ và không nên để ti vi ở phòng ăn. Chuẩn bị cho trẻ một bộ đồ ăn ngộ nghĩnh theo sở thích của chúng. Nếu ăn cơm trong bếp bạn nên mở cửa sổ để mùi dầu, mùi ga bớt nồng, ảnh hưởng đến sự ngon miệng của trẻ.

Cha mẹ nên có thái độ dứt khoát
Khi cho trẻ ăn không nên quá chiều chuộng nếu không sẽ làm trẻ có tâm lý tiêu cực không chịu ăn, ăn thế nào cũng được, chỉ thích ăn một món nào đó hoặc luôn bới chọn khi ăn. Tuy nhiên nếu trẻ chỉ thích ăn một món hoặc không muốn ăn cơm, cha mẹ cũng không nên bàn tán tại bàn ăn mà để sau bữa ăn mới giảng giải đúng sai, làm cho trẻ có cảm giác được tôn trọng.
Độ hấp dẫn của món ăn

Nâng cao trình độ nấu ăn của bạn, thay đổi món ăn một cách thường xuyên. Trẻ dưới một tuổi ít khi đòi ăn những món nó thích. Tuy nhiên, thời kỳ này trẻ đã biết cảm nhận và phân biệt được một số mùi. Vì vậy bạn nên đổi món thường xuyên để xem trẻ thích ăn món nào. Khi trẻ lớn hơn một chút, hãy giảng giải cho trẻ tác dụng của mỗi món ăn.

Bạn nên trình bày các món ăn một cách bắt mắt trẻ, ví dụ như thay vì cứ cắt phô mai theo một hình dạng mãi như thế, sao bạn không thử trang trí chúng như một cái mặt cười? Cắt lát sandwiches và trang trí chúng với những mẩu bánh quy. Hãy làm tất cả những gì bạn có thể để trông món ăn thú vị và hấp dẫn hơn.


Nguyên tắc ăn uống
Nếu uống nước trước dễ làm cho trẻ có cảm giác no, đầy bụng (đặc biệt là nước ngot, nước hoa quả). Vì vậy bạn nên thực hiện nguyên tắc ăn trước uống sau cho trẻ.

Không nên cho trẻ ăn vặt, bữa phụ nên cho trẻ ăn bánh, sữa và hoa quả tươi. Giữa các bữa không nên cho trẻ ăn gì khác dù trẻ có đòi cũng phải kiên quyết.

Không nên bắt trẻ ăn quá nhiều. Hãy thử nghĩ xem người lớn chúng ta cũng có khi chỉ ăn được một hoặc hai bát cơm. Thế nhưng bạn lúc nào cũng muốn bé ăn thật nhiều. Trong nhiều trường hợp bé sẽ không ăn được như bạn mong muốn, thậm chí ăn ít. Nhưng nếu bé vẫn khỏe mạnh bình thường và lên cân đều thì có nghĩa là khẩu phần ăn của bé chỉ có vậy và bạn không cần phải ép bé ăn thêm nữa.

Nếu trẻ không chịu ăn bạn cũng đừng nên bắt ép hoặc quát nạt bé, điều đó sẽ chỉ càng làm tình trạng xấu đi và bé vẫn cứ không chịu ăn. Khi đó bạn có thể nói nhẹ nhàng nhưng kiên quyết với bé. Nếu bé không ăn bạn có thể dọn bàn ăn và cho bé ăn bổ xung vào sau đó, chứ không để bé ngồi ăn quá lâu, dễ hình thành thói quen xấu cho bé. Có thể bạn xót con nhưng không sao, chỉ bỏ qua một bữa bé vẫn hoàn toàn khỏe mạnh mà nếu kiên quyết bạn sẽ điều chỉnh được thói xấu này của bé.

Nếu thấy bé ngồi ăn quá lâu, lại luôn ngậm thức ăn trong miệng, bạn hãy thử xem lại liệu bạn có vắng mặt quá lâu trong ngày không. Đôi khi bé ăn lâu vì bé muốn được ở bên bạn nhiều hơn vì chỉ trong bữa ăn bạn mới có mặt ở nhà. Để giải quyết tình trạng này, bạn cần động viên bé và dành thời gian cho bé nhiều hơn.

Nếu bạn đã làm tất cả những điều trên mà con bạn vẫn lười ăn thì bạn nên đưa con đến bác sỹ để được tư vấn một cách tốt nhất.

Nhá cơm cho trẻ có hại gì?

Nhá cơm rồi mớm cơm cho trẻ ăn. Cách làm này mất vệ sinh, ảnh hưởng xấu tới khả năng tiêu hóa và sự phát triển của trẻ. Thói quen này kiên quyết phải loại bỏ.

Chúng ta đều biết, trẻ sơ sinh trong giai đoạn sinh trưởng phát dục nhanh, cần thức ăn chất bổ phong phú để thỏa mãn sự phát dục của cơ thể. Tuy vậy, muốn cơ thể trẻ tiêu hóa hấp thụ tốt, thì việc tiêu hóa của trẻ cần phải thông qua quá trình tự tiếp nhận thức ăn để thúc đầy sự phát dục.

Giống như người lớn, thức ăn vào vòm miệng trẻ, trải qua cắt, nhai, nghiền, dưới sự nhào trộn của lưỡi hỗn hợp với nước bọt, thức ăn sẽ mềm, trẻ dễ nuốt. Men trong nước bọt phân giải tinh bột trong thức ăn thành đường, có lợi cho việc hấp thụ tiêu hóa ở bước tiếp theo. Cử động nhai trong vòm miệng trẻ sẽ kích thích vị giác, khứu giác do thức ăn trong miệng dẫn tới, có thể tăng cường muốn ăn, thúc đẩy công năng tiêu hóa của dạ dày và kích thích tiết nước bọt, rèn luyện hàm răng, răng và cơ nhai là một loại hoạt động rất hữu ích.



Còn nếu người lớn lại “nhá” rồi mới đút cho trẻ, trẻ chỉ việc nuốt thì quả thật đã tước đi cơ hội nhai của trẻ, làm giảm tiết nước bọt và khiến cho cơ nhai và răng không còn cơ hội rèn luyện. Lâu dần, sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự ăn uống và công năng tiêu hóa của trẻ.

Hơn nữa, trong miệng của người, vì nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, cộng với nước bọt và cặn bã thức ăn là điều kiện tốt cho vi khuẩn sinh sôi, nảy nở. Do đó, trong miệng người lớn có rất nhiều vi khuẩn và vi trùng. Người lớn do có sức đề kháng tương đối tốt nên chưa phát bệnh. Trẻ thơ thì khác, cơ chế miễn dịch vẫn chưa được hoàn thiện, sức đề kháng yếu, ăn thức ăn đã nhào trộn trong miệng người lớn, vi trùng sẽ dễ dàng theo vào. Đặc biệt là với những người lớn đang mắc các bệnh truyền nhiễm như: viêm gan, lao phổi, kiết lỵ, cúm,... sẽ càng dễ đưa bệnh vào cơ thể trẻ qua đường miệng.

Chính vì vậy, để giúp trẻ luôn khỏe mạnh và tiêu hóa tốt, tuyệt đối không nên nhá cơm cho trẻ.

Vì sao vitemin D lại rất quan trọng với trẻ

Vitamin D rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Vậy, chúng ta cần phải làm gì để cung cấp đủ Vitamin D cho trẻ hàng ngày?

Vai trò của Vitamin D

Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ các khoáng chất như canxi, tạo cho răng và xương của chắc khỏe. Theo nhà nghiên cứu F. Michael Holick, giáo sư y học, sinh lý học và lý sinh tại Trường Đại học Y Boston thì thiếu vitamin D không chỉ gây còi xương (một bệnh có thể dẫn đến biến dạng xương và gãy xương), mà nó còn làm cho trẻ không thể đạt được chiều cao theo quy định và xương không đủ chắc.
Ngoài ra, vitamin D còn có chức năng như một nội tiết tố với nhiều chức năng khác trong cơ thể - bao gồm cả sức khỏe hệ miễn dịch, sản xuất insulin và quy định về tăng trưởng tế bào.
Trẻ cần bao nhiêu vitamin D mỗi ngày?

Dù ở lứa tuổi nào thì nhu cầu về Vitamin D của trẻ là 400IU (hoặc 10mg mỗi ngày).
Các nguồn cung cấp vitamin D
Vitamin D được gọi là "vitamin ánh nắng mặt trời", vì cơ thể có thể sinh ra vitamin này khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Nhưng, cơ thể của trẻ không có khả năng tạo ra vitamin D khi được quần áo che kín hoặc khi mặc áo chống nắng để ngăn chặn các tia mặt trời. Những vật cản khác để sản xuất vitamin D từ ánh nắng mặt trời gồm có các đám mây, khói, da đen, và vị trí địa lý.
Bạn cũng có thể cung cấp đủ vitamin D (400 UI) cho trẻ thông qua các loại thực phẩm bổ dưỡng. Dưới đây chúng tôi xin giới thiêu một ý tưởng tốt để các bậc cha mẹ bổ sung vitamin D chho bé.
Những nguồn thực phẩm tốt có hàm lượng vitamin D cao:
* 1 ounce cá hồi: 102 IU
* 6 ounces sữa chua có bổ sung vitamin D: 80 IU
* 1 ounce cá ngừ đóng hộp, đóng gói trong dầu, ráo nước: 66 IU
* 1 / 2 chén nước cam, tăng cường chất với 25% DV cho vitamin D: 50 IU
* 1 / 2 tách sữa có bổ sung (chất béo thấp, hoặc tách kem): 49 IU
* 1 lát pho mát Mỹ tăng cường chất: 40 IU
* 1 / 2 chén ngũ cốc ăn liền bổ sung: 19 IU
* 1 ounce cá thu: 11,6 IU
* 1 / 2 lòng đỏ trứng lớn: 10 IU
* 1 / 2 muỗng cà phê bơ thực vật tăng cường chất: 10 IU
* 1 / 2 ounce pho mát Thụy Sĩ: 6 IU
(1 ounce = 28,35gr)
Trong một số trường hợp, lượng Vitamin D trong thực phẩm có thể thay đổi, tùy thuộc và thương hiệu...

Trẻ bị thừa cân- cần bổ sung dinh dưỡng nào?

Trẻ em thường bị thừa cân do tiêu thụ quá nhiều đồ ăn, đồ ăn vặt và không vận động. Nhưng so với người lớn, trẻ em có thể “tiêu hóa” béo một cách nhanh chóng.

Cho ăn các loại thực phẩm “đốt cháy” chất béo để trẻ không bị tăng cân quá mức.




Cha mẹ có thể bắt đầu giảm cân cho con theo hai cách sau:
Nấu bữa ăn ở nhà nhiều hơn: Những đứa trẻ thường ăn thức ăn được nấu ở nhà sẽ có xu hướng tăng cân ít hơn so với những trẻ thường ăn bên ngoài. Các bữa ăn được nấu ở nhà giàu dinh dưỡng và bao gồm các loại rau hỗn hợp gia vị với thịt cá. Không phải do ăn thực phẩm này mà trẻ em giảm cân nhanh chóng nhưng bằng cách này cha mẹ có thể tạo cho con thói quen ăn thức ăn lành mạnh.

Cho trẻ em đi ra ngoài và chơi: Ngày nay, không ít trẻ em thích thú với các trò chơi video, trò chơi máy tính và điện tử ở nhà. Nhưng chỉ cần ngồi ở nhà là trẻ đã có xu hướng tăng cân. Nếu ra ngoài và chơi đùa cùng những đứa trẻ khác tham gia trò chơi như đạp xe, nhảy dây, đá bóng... thì chắc chắn trẻ sẽ tiêu hóa tốt thức ăn và sẽ ăn ngon hơn trong bữa ăn tiếp theo. Mỗi ngày, trẻ nên được ra ngoài chơi trong khoảng ít nhất là một giờ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý cho con ăn thêm hoa quả và các loại thực phẩm không béo, các loại thực phẩm “đốt cháy” chất béo để trẻ không bị tăng cân quá mức.
- Táo: táo chứa phục vụ bình quân gần 14 gam carbohydrate và 1,4 gam xơ thực phẩm. Họ nhà táo được cho là không có các chất béo và tinh bột.
- Chuối: Chuối có chứa nhiều carbohydrates giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể. Ngoài tác dụng giúp cơ thể khỏe mạnh, loại hoa quả này còn không làm cơ thể béo phì.
- Cà chua: Cà chua có tác dụng rất tốt trong chống ung thư. Với trẻ, cha mẹ nên dùng cà chua để nấu ăn chứ không nên cho trẻ ăn sống.
- Quả chà là: Đây là loại thực phẩm dễ tiêu hóa trong cơ thể và lại giàu carbohydrate và chất xơ.
- Cam quýt: Đây là một trong những loại trái cây có múi và giàu vitamin C. Loại hoa quả này rất tốt cho quá trình trao đổi chất của cơ thể của trẻ.
- Rau bina: Đây là thực phẩm “xả” chất béo lại là một tác nhân chống ung thư tốt.

Nếu cha mẹ biết kiên trì cho con luyện tập, vận động và ăn thức ăn đủ dinh dưỡng, lành mạnh thì sẽ không gặp nguy cơ béo phì khó kiểm soát về cân nặng.

Dấu hiệu thiếu Vitamin ở trẻ nhỏ

Dấu hiệu thiếu Vitamin A đặc trưng là trẻ bị khô mắt, sợ ánh sáng, ít nước mắt, da trẻ thô ráp, bong vảy, sần sùi, người cồn cào, nôn nóng không yên hoặc thèm ngủ suốt. Nếu thiếu nghiêm trọng, sẽ dẫn tới chứng bệnh về mắt như quáng gà…

1. Thiếu vitamin A
Dấu hiệu đặc trưng là trẻ bị khô mắt, sợ ánh sáng, ít nước mắt, da trẻ thô ráp, bong vảy, sần sùi, người cồn cào, nôn nóng không yên hoặc thèm ngủ suốt. Nếu thiếu nghiêm trọng, sẽ dẫn tới chứng bệnh về mắt như quáng gà…
Nên cho trẻ bú sữa mẹ, ăn dặm bổ sung đúng thời gian, đủ số lượng theo độ tuổi, đủ chất, chế độ ăn giàu mỡ. Cho trẻ ăn nhiều loại thức ăn chứa vitamin A như: gấc, đu đủ, rau ngót, trứng gà, gan…. và cho trẻ uống bổ sung vitamin A định kỳ 6 tháng/lần.
2. Thiếu vitamin B1
Thời kỳ đầu, trẻ có những biểu hiện như ăn uống giảm sút, rối loạn tiêu hóa, không tăng cân, nước tiểu ít, không tập trung, hay quấy khóc, hờn dỗi, hay nằm mộng... Nếu thiếu nghiêm trọng sẽ sinh phù chân, co giật, sẽ phát sinh viêm khoé mép (chốc mép), viêm lưỡi.
Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu thiếu vitamin B, cha mẹ hãy thay đổi chế độ ăn uống, bổ sung những thức ăn chứa vitamin B: sữa mẹ, sữa bò, trứng, ngũ cốc cho trẻ. Không nấu rau quá chín, vì vitamin B1 sẽ bị phá hủy ở nhiệt độ cao.
3. Thiếu vitamin B2
Trẻ dễ bị loét miệng, lở môi, mệt mỏi, tóc có màu và khô. Nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu vitamin B2 như: rau xanh lá, sữa, gan, thận, trứng và cá.
4. Thiếu vitamin B6

Triệu chứng: trẻ hay quấy khóc về đêm, mệt mỏi, khó chịu, môi nứt nẻ, da khô, rụng tóc, người luôn nôn nóng, sốt ruột, ngủ chập chờn, giấc ngủ không sâu, buồn nôn, nôn mửa, thậm chí bị chứng phong rút, bị động kinh. Cha mẹ có thể tìm nguồn B6 bổ sung từ thận, đậu nành, bắp cải, trứng, đậu phộng...
5. Thiếu vitamin B12
Những biểu hiện đầu tiên thường về mặt tinh thần: trẻ tỏ ra đờ đẫn, ít khóc, ít cựa quậy và hoạt động, phản ứng rất chậm chạp, chỉ thích ngủ, chân tay cựa quậy quờ quạng một cách vô ý thức, đầu, thân mình và tay chân luôn lắc lư run rẩy, cuối cùng gây nên thiếu máu. Vitamin B12 có trong gan, thịt bò, trứng, pho mát, sữa, thận.
6. Thiếu vitaminC
Nướu răng dễ bị sưng đỏ, chảy máu, sún răng, răng vàng, tụ máu trên da, chậm lành vết thương, trẻ hay kêu đau mỏi toàn thân. Có thể tìm nguồn vitamin bổ sung ở chanh, cam, cà chua, khoai tây, hoa cải.
7.Thiếu vitamin D
Nếu thấy trẻ hay bị đổ mồ hôi trộm, đầu mềm, răng mọc chậm, chậm biết bò, đi; khi ngủ trẻ hay bị giật mình, bực tức, khó chịu... thì chắc chắn trẻ bị thiếu vitamin D.
Khi trẻ bị thiếu vitamin D thì ngoài việc dùng vitamin D, muối canxi thì ăn uống và cách chăm sóc đóng vai trò quan trọng. Nên cho trẻ ăn nhiều đạm, ăn các thức ăn có nhiều vitamin D như: trứng gà, dầu cá...
Trong năm đầu, nên tắm nắng hằng ngày cho trẻ vào thời gian trước 10 giờ sáng. Chỗ ở của trẻ phải thoáng mát, có ánh sáng mặt trời, nên cho trẻ ra ngoài trời vào tháng thứ 2 (tùy theo thời tiết).
8. Thiếu vitamin E
Biểu hiện qua phản xạ lệch lạc, tâm tính thất thường, mắt chuyển động thiếu nhịp nhàng, khô da, phồng nơi bàn chân, thiếu máu. Vitamin E có thể tìm thấy trong lúa mì, dầu cải, lá cải xanh, đậu nành, ngũ cốc các loại.
9. Thiếu vitamin K
Thiếu vitamin K thường xuất hiện trong thời kỳ trẻ mới sinh vào các ngày thứ 3-5 sau khi sinh, vì vi khuẩn đường ruột chưa tổng hợp đủ vitamin K, hoặc trẻ bị tắc đường mật, rối loạn tiêu hóa. Tất cả các trường hợp có bệnh chảy máu (chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu ở da, niêm mạc...) cần phải nghĩ tới thiếu vitamin K.
Ngoài ra, khi thấy trẻ bỏ bú, quấy khóc, khóc thét, co giật... nhất là trẻ ở lứa tuổi từ sơ sinh đến 2 tháng tuổi thì cần đặc biệt lưu ý nguy cơ xuất huyết não, một trong những căn nguyên hay gặp là do thiếu vitamin K.
Cách tốt nhất là cho thai phụ uống hoặc tiêm vitamin K trước khi sinh và cho trẻ uống hay tiêm vitamin K ngay sau khi sinh.
10. Thiếu vitamin PP
Trẻ bị thiếu vitamin PP thường bị tiêu chảy, phân giống như nhầy mũi hoặc có máu; trẻ hay bị viêm miệng và lưỡi, bị bệnh da cóc, không ngủ được, lờ đờ. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhi sẽ tử vong do viêm phổi, viêm thận. Hãy cho trẻ uống vitamin PP, ngoài ra nên bổ sung thêm vitamin B1 và men bia.

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Mười biện pháp thành công trong nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ là liệu pháp tốt nhất giúp trẻ tăng cường trí thông minh và hệ thống miễn dịch với các loại bệnh tật. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả tối ưu không phải là một công việc dễ dàng. Dưới đây là 10 biện pháp thành công trong nuôi con bằng sữa mẹ mà sản phụ có thể tham khảo.


1. Sự tự tin của người mẹ
Ngày nay nhiều bà mẹ đã bị "dao động" khi xem những quảng cáo hấp dẫn trên truyền hình của các nhà sản xuất về sữa bột. Họ băn khoăn khi cân nhắc giữa sữa bột và sữa mẹ mà không biết rằng nuôi con bằng sữa mẹ là bản năng tự nhiên trời phú cho người mẹ. Do vậy mỗi người mẹ nên có tự tin rằng bản thân mình có thể nuôi con thành công bằng chính sữa của mình.
2. Thời gian bắt đầu cho trẻ sơ sinh bú
Trước đây sau khi sinh con khoảng 24 giờ mới cho trẻ bú lần đầu. Nhưng hiện nay các bệnh viện đã áp dụng thuyết mới: chỉ sau 30 phút để mẹ nghỉ ngơi sau sinh sẽ cho trẻ bú ngay. Các nhà khoa học chứng minh rằng để trẻ bú ngay sẽ có tác dụng tốt cho cả mẹ và trẻ.
Đối với trẻ:
- Tập cho trẻ phản xạ mút vú.
- Trong nước sữa ban đầu chứa rất nhiều thành phần bổ dưỡng đặc biệt và chất miễn dịch giúp trẻ tăng cường sức đề kháng. Đồng thời giúp hạn chế được lượng đường thiếu trong máu của trẻ.
Đối với mẹ:
- Cho con bú ngay có thể giúp kích thích tử cung của sản phụ co rụt lại và nhanh chóng trở về trạng thái trước khi mang thai hơn.
- Giảm hiện tượng xuất huyết.
3. Thời gian cho trẻ bên mẹ
Trong vòng 24 giờ không nên tách trẻ vừa sinh ra khỏi người mẹ như trước nay vẫn làm. Ngược lại việc trẻ nằm bên cạnh mẹ lúc vừa chào đời không những giúp trẻ cảm nhận được đầy đủ sự yêu thương của mẹ ngay từ phút đầu tiên mà còn kích thích có hiệu quả sự tiết sữa của sản phụ.
4. Thời gian mỗi lần bú và khoảng cách giữa các lần
- Thời gian một lần bú:
Thời gian mỗi lần bú nếu thuận lợi khoảng 10 - 15 phút. Năm phút đầu có thể bú 2/3 lượng sữa. Nhiều khi trẻ ngừng vài phút trong quá trình bú để trẻ "nghỉ giải lao" hoặc mẹ nói chuyện với trẻ. Nếu thời gian kéo dài trên 20 phút núm vú dễ phát sinh mụn nước. Nếu việc cho bú không thuận lợi thì phải kiểm tra kịp thời để tìm hiểu nguyên nhân do trẻ hay do mẹ thiếu sữa.
- Khoảng cách giữa các lần:
Việc cho bú không nhất thiết phải đúng giờ tuyệt đối, số lần bú và thời gian ngắt quãng nên có sự kết hợp giữa việc cung ứng và nhu cầu của trẻ mà định ra. Thông thường trong những ngày đầu một ngày phải cho trẻ bú trên 8 lần và khoảng 2 - 3 giờ cho bú một lần. Đêm đến trẻ ngủ ngon cũng không cần đánh thức trừ khi trẻ đói và thức dậy. Tập dần thói quen cho trẻ không bú quá nhiều lần vào ban đêm.
5. Cho con bú theo nhu cầu
Theo nhu cầu cả mẹ lần con, thời gian lúc đầu mới sinh không nên quy định số lần và thời điểm bú. Con cần bú lúc nào và bầu sữa mẹ ứ đầy thì cho bú. Nếu trẻ ngủ quá lâu có thể đánh thức trẻ dậy. Cho con bú theo nhu cầu sẽ giúp trẻ có đủ chất dinh dưỡng đồng thời giúp mẹ không bị trướng tức do ứ sữa.
6. Tư thế và phương pháp cho con bú chính xác với bốn bước sau
- Khi cho con bú có thể ngồi hoặc nằm nghiêng một bên hoặc nằm ngửa nhưng phải để thân mình và con nằm bú ở trạng thái dễ chịu nhất, cơ bắp thư giãn, tinh thần thoải mái.
- Thân thể của con quay vào người mẹ, áp sát thân hình mẹ (ngực áp sát ngực, bụng áp sát bụng, miệng áp sát vào bầu vú mẹ). Cố hơi ngửa ra đằng sau đề phòng mũi của trẻ áp sát vào gây ảnh hưởng đến hô hấp.
- Một cánh tay của người mẹ ôm lấy con. Ngón tay cái và bốn ngón tay còn lại của tay kia lần lượt đỡ bầu vú ở phía trên và dưói tạo thành hình chữ C để đưa vú vào sát miệng con. Lấy đầu vú đưa vào miệng con làm cho nó có phản xạ tìm ăn, miệng con há to ra và ngậm phần lớn bầu vú chứ không chỉ núm vú.
- Ngoài ra còn cần quan sát lúc trẻ bú để điều chỉnh tránh làm tắc lỗ mũi của con.
7. Chuẩn bị trước khi cho trẻ bú
- Mẹ phải vệ sinh núm vúa, bầu vú sạch sẽ trước khi cho trẻ bú. Cả tay mẹ và tay bé đều phải rửa sạch sẽ.
8. Thời gian cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ
Các chuyên gia đều khuyên rằng: trong sáu tháng đầu tiên nên cho trẻ ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ mà không cần cho trẻ ăn uống bất cứ thứ gì thêm.
9. Tâm lí của sản phụ
Sau khi sinh tâm lí của người mẹ cũng cần chú ý. Tránh mọi căng thẳng, lo âu phiền muội. Ngược lại nên tạo không khí vui vẻ nhất là lúc cho trẻ bú.
10. Chế độ ăn của sản phụ sau khi sinh
Chế độ dinh dưỡng của người mẹ cho con bú sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của sữa do vậy sau khi sinh người mẹ cần đảm bảo đủ chất bằng việc:
- Tăng cường việc cung cấp Protein. Nếu thiếu Protein không những sẽ làm cho sữa tiết ra ít mà còn làm giảm hàm lượng lysin và methioin.
- Bổ sung canxi, chất xơ, vitamin và nước.
Sữa mẹ là thức ăn thiên nhiên có đầy đủ chất dinh dưỡng, là sự đảm bảo cho trẻ sinh trưởng và  phát triển. Ăn sữa mẹ là quyền lợi của trẻ nhỏ, nuôi con bằng sữa mẹ là thiên chức và nghĩa vụ của người mẹ đối với đứa con mình sinh ra. Do đó muốn làm tốt việc nuôi con bằng sữa mẹ cần phải kiên trì phương pháp nuôi con một cách chính xác, khoa học.

Các thuốc có nguy cơ gây hại cho thai

Điều đáng sợ nhất khi phải dùng thuốc cho phụ nữ mang thai là thuốc có thể gây dị tật thai nhi. Trong số các nguyên nhân gây dị tật, có đến 2/3 (khoảng 60-70%) chưa xác định được nguyên nhân và có khoảng từ 1-5% nguyên nhân là do thuốc...
Những loại thuốc có nguy cơ

Các thuốc chữa tăng huyết áp (ức chế men chuyển dạng angiotensin, thuốc lợi tiểu furosemid, thiazid). Nếu dùng furosemid do thải trừ nước quá nhanh và điều trị huyết áp giảm đột ngột dẫn tới giảm tưới máu tử cung cho thai. Nếu dùng kéo dài sẽ dẫn đến thai chết lưu.

Các kháng sinh nhóm cyclin (doxycyclin, tetracyclin). Ví dụ: dùng tetracyclin sẽ gây hỏng răng cho đứa trẻ sau này.

Thuốc chống đông máu (wafarin), thuốc chữa Bazdo, thuốc chống ung thư (gây độc tế bào).

Dẫn xuất vitamin A liều cao dùng chữa bệnh vẩy nến, chữa da mặt và các bệnh ngoài da khác... Vì thế khi dùng các thuốc này, muốn có thai phải 3 tháng sau khi dùng thuốc mới được mang thai để đảm bảo an toàn cho thai nhi.



Phụ nữ có thai nên hạn chế tối đa dùng thuốc.

Đối với thuốc có bản chất là gây hại cho thai nhi thì dùng với liều lượng rất nhỏ và vào thời kỳ không nhạy cảm của thai nhi vẫn có khả năng gây hại cho thai. Thuốc dùng cho bà mẹ mang thai không chỉ ảnh hưởng tới thai nhi mà còn ảnh hưởng tới đứa trẻ khi chào đời. Tình trạng này xảy ra khi dùng thuốc vào thời điểm sắp sinh. Tuy nhiên, khi dùng thuốc cho bà mẹ mang thai, không phải lúc nào cũng có hại. Một số thuốc có lợi và nên dùng cho bà mẹ mang thai là vitamin hỗn hợp (obimin, sắt, acid folic). Tuy nhiên, khi dùng cần chú ý tới hàm lượng vitamin A trong các thuốc này vì dùng thừa vitamin A lại có hại nên khi dùng các chế phẩm chứa vitamin cần xem thành phần, hàm lượng của vitamin A để không uống quá liều vitamin A.

Nguyên tắc dùng thuốc cho phụ nữ có thai

Hạn chế tối đa dùng thuốc. Nên chọn các phương pháp điều trị không dùng thuốc. Ví dụ khi bị đau đầu nên xoa bóp, thư giãn... cho khỏi đau đầu hoặc dùng paracetamol. Nếu bị táo bón, nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau, quả trước khi dùng thuốc nhuận tràng. Nên nhớ, mặc dù có thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai nhưng hạn chế dùng vẫn hơn.

Trong 3 tháng đầu, tuyệt đối không dùng thuốc.

Khi cần thiết, dùng thuốc liều thấp nhất có hiệu quả với thời gian ngắn nhất để hạn chế thấp nhất những nguy cơ của thuốc đối với thai nhi.

Dùng những loại thuốc đã được chứng minh là an toàn cho phụ nữ có thai. Tránh dùng những thuốc chưa được sử dụng rộng rãi cho phụ nữ có thai.
DS. Hoàng Thu Thủy

Uống nhiều thuốc tránh thai có sao không?

Em năm nay 27 tuổi. Cách đây ba năm, em và bạn trai quan hệ rất nhiều. Mỗi lần quan hệ, em đều uống thuốc ngừa thai cấp tốc (ví dụ một ngày quan hệ ba lần thì uống ba viên).

Cho em hỏi uống nhiều như vậy thì có ảnh hưởng gì tới việc có con sau này không? Em rất lo, mong hãy giúp em. Em cám ơn rất nhiều. (Lyly)


Bạn uống nhiều như vậy thì ngay tại thời điểm đó cũng có ảnh hưởng lớn chứ không nói về sau này.

Thuốc tránh thai cấp tốc chỉ được dùng tối đa 4 liều/tháng. Đây là loại thuốc đặc biệt để tránh thai trong các trường hợp khẩn cấp như bị hiếp dâm, quan hệ mà không thể chuẩn bị trước các biện pháp tránh thai an toàn khác và như thế, nó không phải thuốc bổ hay kẹo mà bạn có thể dùng một ngày ba viên và tuần 7 ngày như nhau được. Ngay cả thuốc tránh thai hàng ngày cũng chỉ dùng một viên/ngày mà thôi.

Vì mục đích là để ngừa thai trong những trường hợp bất khả kháng nên hàm lượng hoạt chất trong thuốc tránh thai là rất lớn. Phản ứng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp cũng nhiều và rõ ràng hơn so với thuốc tránh thai hàng ngày. Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng nào về việc ảnh hưởng lâu dài của việc dùng thuốc tránh thai quá liều như bạn đã thực hiện. Tuy vậy, chắc chắn việc dùng quá liều như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Để biết chính xác ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào, bạn cần đi khám tại các bệnh viện lớn và các xét nghiệm cụ thể về sức khỏe sinh sản của bản thân.

Mặc dù vậy, từ bây giờ, bạn nên hết sức cẩn thận với việc dùng thuốc, bất cứ loại thuốc nào chứ không chỉ đối với thuốc tránh thai nếu không muốn những ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân.

Theo Ngoisao

Tác dụng kỳ diệu của... vỏ chuối

Vỏ chuối sẽ là mỹ phẩm dưỡng da tuyệt vời nếu da bạn khô, thậm chí nứt nẻ. Thứ phế phẩm này còn giúp giải rượu, chữa đau răng, trĩ...

Dưới đây là những ứng dụng kỳ diệu của vỏ chuối:
Lau sạch giày da, áo da, ghế sofa: Vỏ chuối có tác dụng giữ độ bóng và bền cho tất cả vật dụng được làm bằng chất liệu da.
Làm chín: Có thể để vỏ chuối với những quả muốn chín nhanh hơn như xoài, kiwi… Chúng sẽ chín nhanh hơn bạn tưởng đấy.
Trợ thủ đắc lực cho hoa lan: Nếu muốn hoa lan nở đẹp và lâu, bạn có thể chôn vỏ chuối trong chậu hoa phong lan. Vỏ chuối giàu magnesium, lưu huỳnh, phốt pho, kẽm, khoáng chất, amino axit và các chất dinh dưỡng khác, và đó chính là những thứ phong lan cần.
Làm ẩm và mịn da: Với những bạn có làn da khô, có thể đắp mặt bên trong của vỏ chuối khoảng 10 phút, khô, sau đó rửa sạch, da sẽ trở nên mịn màng và ẩm hơn.
Điều trị mụn cóc: Cũng đặt mặt trong của vỏ chuối lên các vết mụn để làm mềm, dần dần mụn sẽ bay mất. Sử dụng phương pháp này để chữa trị mụn cóc trên đầu và mặt. Cứ làm như thế nhiều lần, mụn sẽ khỏi và không tát phát.
Chữa ngứa da: Vỏ chuối có thể ức chế sự sinh sản của vi khuẩn và nấm. Kết quả thử nghiệm cho thấy vỏ chuối có thể điều trị rất hiệu quả bệnh hôi chân và nấm da, ngứa do vi khuẩn hoặc các loại nấm gây nên. Bệnh nhân có thể lựa chọn vỏ chuối tươi xát nhiều lần tại vùng ngứa, nấm, hoặc đun thành nước lau rửa, làm nhiều lần mỗi ngày.
Chữa viêm loét miệng: Vỏ chuối khô được gọi là Hỏa Thán Mao, đun sôi lên, cho một ít đường đen uống sẽ giúp chữa viêm loét miệng. Bài thuốc này còn có tác dụng nhuận tràng.
Trị đau răng: Vỏ chuối rửa sạch, cho thêm đường phèn vào nồi, đun với lượng nước thích hợp. Uống hai lần một ngày.
Chữa trĩ và đại tiện ra máu: Nướng hai vỏ chuối, ăn khi nóng.
Trị nứt da tay, da chân: Sau khi rửa sạch chân tay bằng nước nóng, dùng mặt trong của vỏ chuối xát nhiều lần. Nếu vết nứt to, có thể xoa trực tiếp vào vết nứt nhiều lần trong ngày, nó sẽ nhanh chóng lành lại.
Chữa cao huyết áp: Dùng 30 - 60 gr vỏ chuối, hầm thành canh uống.
Phòng đột quỵ: Lấy 30 gr vỏ chuối tươi hầm thành canh uống thay trà, canh này có tác dụng lưu thông mạch máu, để ngăn ngừa đột quỵ và đau vùng ngực.
Giải rượu: Lấy 60 gr vỏ chuối đun lấy nước uống, giúp giải rượu và làm cho đầu tóc tỉnh táo.

Chớ dễ tính với thuốc "bổ não"

Thuốc bổ thần kinh có tác dụng giảm mệt mỏi, tăng cường sức khỏe, giúp ăn, ngủ được, tăng tập trung và giúp trí nhớ tốt hơn. Tuy nhiên không thể vì đó là thuốc "bổ não" mà chúng ta lạm dụng. Và cũng không phải vì thuốc bổ mà người bệnh lại không quan tâm đến chống chỉ định trong điều trị thiểu năng tuần hoàn não.

Dễ tính trong chẩn đoán

Thiểu năng tuần hoàn não là hiện tượng thiếu hụt lưu lượng máu tại não một cách có hồi phục được biểu hiện bằng dấu hiệu mất hoặc suy giảm chức năng não kéo dài dưới 1giờ mà thường gặp là 2-15 phút. Đây là chứng bệnh khá thường gặp.

Biểu hiện của bệnh là bại yếu nửa người, giảm hoặc mất sự phối hợp điều hoà vận động, suy giảm thị lực, xuất hiện các dấu hiệu như nhìn đôi, nuốt khó, nói ngọng... kéo dài dưới 1giờ. Việc chẩn đoán xác định thiếu máu não tạm thời hay thiểu năng tuần hoàn não cần phải được khám xét cụ thể, tỉ mỉ. Tuy nhiên, việc chẩn đoán chứng thiểu năng tuần hoàn não đang được áp dụng quá dễ dãi đến mức phổ cập. Nhiều khi, người bệnh chỉ than phiền là đau đầu, mất ngủ đã được cho ngay một chẩn đoán: thiếu máu não.




Dễ dãi trong điều trị

Tuần hoàn não có đặc điểm là thay đổi theo sự biến động của huyết áp nhằm duy trì một áp lực hằng định 100mmHg trong mạch máu não. Hệ thống mạch này sẽ tự động giãn ra khi huyết áp tụt và tự co lại khi huyết áp tăng. Cơ chế được tự động điều chỉnh khi huyết áp nằm trong khoảng 70-150mmHg hay nằm trong giá trị 70% huyết áp ở những đối tượng tăng huyết áp. Nằm ngoài giá trị này, phản ứng điều chỉnh giảm tác dụng, thậm chí không còn tác dụng điều hoà. Vì thế, việc sử dụng những thuốc can thiệp vào tuần hoàn não cần tính đến giới hạn tác dụng của thuốc.

Những thuốc hay sử dụng trong lâm sàng để điều trị cho những người bệnh chủ yếu dựa theo hai cơ chế: tăng cường tuần hoàn não và tăng cường vận chuyển ôxy cho não. Chúng có bản chất là những thuốc giãn mạch nhằm tăng lưu lượng tuần hoàn não và các thuốc tăng trao đổi ôxy giữa máu và phổi, giữa máu và mô, nhằm làm tăng khả năng hấp thụ ôxy của tế bào thần kinh.

Các thuốc thường dùng bao gồm: Nhóm cinnarizine (stugeron), vinpocetin (cavinton), flunarizine (sibelium), ginko biloba (tanakan), piracetam (nootropin) và nhóm meclofexonat (lucidril), almitrine (duxil)... Tuy nhiên có một điều lưu ý là các thuốc giãn mạch chỉ có tác dụng cải thiện lưu lượng tuần hoàn não khi và chỉ khi tình trạng các mạch máu bình thường. Nghĩa là nếu mạch máu bị xơ cứng trầm trọng thì các thuốc này không hề có tác dụng.

Cần lưu ý là các thuốc có tác dụng cải thiện tuần hoàn não không nên được sử dụng quá dễ dãi theo quan niệm không có bệnh thì cũng chẳng sao. Sự thực, cần tuân theo những chỉ định dược lý. Đối với những bệnh nhân thiếu máu não tạm thời thì việc sử dụng thuốc tăng cường tuần hoàn não được coi là chỉ định hàng đầu vì nó sẽ ngăn chặn tế bào bị tổn thương, những tế bào mà khi đã bị tổn thương thì không có khả năng tái tạo. Ngoài những bệnh về thần kinh trung ương thì một số bệnh khác rất cần tới những thuốc này nhằm cải thiện sự hồi phục của tế bào. Chúng bao gồm: nhiễm độc thần kinh ốc tai tiền đình do nhiễm độc kháng sinh trị bệnh lao như streptomycin, hội chứng Meniere, suy nhược thần kinh, bệnh nhân sau đột qụy... Tuy nhiên, chúng ta không thể coi chúng như là một phương thức "kê thêm" để bổ sung vào đơn thuốc cho những người đau đầu, mất ngủ chưa rõ nguyên nhân hay cho phòng ngừa.

Những chống chỉ định nghiêm ngặt


Không thể coi những thuốc làm tăng cường tuần hoàn não là những phương thuốc cứu cánh hay dự phòng. Bởi nó tuy là thuốc bổ, đứng theo phương diện trị bệnh, nhưng ở một khía cạnh nào đó nó cũng có những chống chỉ định nghiêm ngặt.

Cinnarizine và flunarizine đều là những hoạt chất ức chế histamin và có tác dụng ức chế canxi. Chính vì thế chúng có tác dụng giãn mạch, đặc biệt là những mạch nhỏ của não. Nhưng nó lại gây ra buồn ngủ không cưỡng được và gây ra triệu chứng rối loạn vận động tự động (như run tay, tăng phản xạ, giật cục..) mà y học gọi là ngoại tháp, gây ra trầm cảm. Vì vậy những thuốc này không được sử dụng ở những người phải điều khiển giao thông, những bệnh nhân có triệu chứng ngoại tháp như bệnh Parkinson, những bệnh nhân bị bệnh tâm thần kiểu trầm cảm.

Những thử nghiệm trên động vật cho thấy dịch chiết ginko có khả năng gây quái thai và có thể gây chết lưu thai. Vì vậy, ginko được chống chỉ định cho phụ nữ có thai.

Tương tự, piracetam là một thuốc được coi như là thuốc có tác dụng dưỡng chất trên hoạt động tâm thần, được cho là có cải thiện với trí nhớ và khả năng học thuộc. Mặc dù cơ chế thực sự chưa rõ nhưng người ta giả thiết là do nó làm tăng hoạt động tuần hoàn ở não và tăng tạo ra những chất trung gian thần kinh. Tuy nhiên, thuốc này lại có khả năng gây ra co giật ở những bệnh nhân nhạy cảm nên nó tuyệt đối không được sử dụng với những bệnh nhân động kinh, những người mà triệu chứng đau đầu như là một yếu tố thường xuyên có.

Thế nên, không thể vì đó là thuốc "bổ" mà chúng ta nghiễm nhiên sử dụng chúng, không quan tâm đến những chông chỉ định trong điều trị.

BS. Yên Lâm Phúc

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Sử dụng kháng sinh an toàn

Sử dụng kháng sinh nhất thiết phải đạt mục tiêu hiệu quả, an toàn và hợp lý. Việc dùng kháng sinh phải tuân thủ đúng chỉ định của các bác sĩ vì bác sĩ là người biết rõ khi nào cần sử dụng, lựa chọn đúng thuốc, đúng cách, đủ liều và đủ thời gian. Bên cạnh đó, người trực tiếp sử dụng thuốc cũng cần có những hiểu biết cơ bản về kháng sinh để sử dụng cho đúng. Bài viết sau xin trả lời một số câu hỏi chung nhất về vấn đề này.

1. Nghe nói trẻ bị sốt, cảm cúm là do nhiễm trùng, tại sao những trường hợp này không được dùng ngay kháng sinh?

- Một số bệnh nhiễm khuẩn thường có triệu chứng sốt, nhưng không phải tất cả các trường hợp sốt đều do nhiễm khuẩn. Chẳng hạn, trẻ có thể bị sốt do mọc răng hay cảm nắng. Do vậy, đừng vội cho trẻ dùng ngay kháng sinh mà trước tiên hãy tìm cách hạ nhiệt bằng paracetamol hay đắp trán, lau mình với khăn nhúng nước mát. Còn đối với cảm cúm do siêu vi (còn gọi là virus) gây ra, kháng sinh không có tác dụng chữa trị.

Đối với những trẻ bị viêm mũi, viêm hầu họng, nếu chỉ bị nhiễm siêu vi và chưa có biến chứng thì dùng kháng sinh không những không có tác dụng mà có thể còn gây tình trạng đề kháng kháng sinh (kháng thuốc) về sau. Trong trường hợp này, nếu trẻ bị sốt, chỉ nên cho dùng thuốc hạ nhiệt, kèm theo hút sạch mũi, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% (pha 9g muối NaCl trong 1 lít nước sạch hoặc hỏi mua ở nhà thuốc). Nếu nghi ngờ trẻ bị nhiễm khuẩn, nên đưa trẻ đến khám bác sĩ để được định bệnh chính xác và chỉ định cho dùng kháng sinh khi cần thiết. Xin được nhắc lại, cho trẻ dùng kháng sinh theo sự chỉ định của bác sĩ là an toàn nhất, vì chỉ có bác sĩ mới xác định được trường hợp siêu vi kèm theo bội nhiễm vi khuẩn (triệu chứng viêm nhiễm kéo dài không bớt mà còn có xu hướng ngày càng nặng thêm). Lúc này rõ ràng dùng kháng sinh là cần thiết.

2. Việc dùng kháng sinh bắt buộc phải phải đủ liều, nhưng tại sao có trường hợp ở mỗi lần khám bệnh bác sĩ lại chỉ định cho dùng thuốc với số lần mỗi ngày khác nhau, như có lúc cho dùng 3 lần (còn gọi là 3 cữ) trong ngày, lần khác lại là 2 lần/ngày, đặc biệt có khi chỉ dùng 1 liều duy nhất trong ngày?

- Tuy bác sĩ chỉ định cho dùng kháng sinh với số lần trong ngày khác nhau như thế nhưng đều là đúng liều. Bởi vì tùy theo loại kháng sinh, có loại bị đào thải ra khỏi cơ thể rất nhanh, do đó phải dùng nhiều lần trong ngày, nhưng có kháng sinh được giữ lại trong cơ thể và duy trì tác dụng lâu hơn, nên chỉ cần dùng một lần duy nhất trong ngày. Như Erythromycin là kháng sinh thông thường phải uống 3-4 lần/ngày, trong khi đó Azithromycin là kháng sinh mới cùng nhóm macrolid với Erythromycin chỉ cần uống 1 lần trong ngày.

3. Việc dùng kháng sinh phải đủ thời gian, có trường hợp trẻ bị bệnh bác sĩ chỉ định dùng thuốc 10 ngày, nhưng đến ngày thứ 5 cháu có vẻ hoàn toàn như khỏi bệnh. Như vậy ngưng dùng thuốc lúc này có được không? Hoặc đợt điều trị thông thường đối với nhiều kháng sinh phải từ 5 ngày trở lên, thế tại sao gần đây một số trường hợp trẻ bị viêm tai giữa, bác sĩ chỉ cho uống kháng sinh trong 3 ngày?

- Nên lưu ý, phải dùng kháng sinh theo đúng chỉ định của bác sĩ. Các triệu chứng bệnh như sốt, đau (như đau họng trong viêm họng) nhiều khi có vẻ hết nhưng tình trạng nhiễm khuẩn vẫn còn, vì vậy cần dùng kháng sinh đủ thời gian theo đơn thuốc của bác sĩ để tiêu diệt hết vi khuẩn. Thông thường, dùng kháng sinh đủ thời gian phải từ 5 ngày trở lên. Tuy nhiên, một số kháng sinh mới được dùng gần đây có thể rút ngắn thời gian điều trị. Như Azithromycin có thể dùng trong 3 ngày, cho hiệu quả điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn tương đương với vài loại kháng sinh khác phải uống trong 10 ngày.

4. Có phải nếu cho cho trẻ dùng kháng sinh nhầm liều dành cho người lớn thì sẽ gây dị ứng như bị ngứa, nổi mẩn ngoài da?

- Trường hợp dùng thuốc quá liều gây tai biến được gọi là ngộ độc thuốc. Đối với dị ứng thuốc, trong đó có dị ứng kháng sinh, chỉ cần tiếp xúc với liều thật nhỏ vẫn có thể bị rối loạn này. Có rất nhiều tác nhân trong môi trường, thức ăn, thức uống có thể gây ra dị ứng, vì vậy trường hợp vừa nêu không thể khẳng định nguyên nhân gây dị ứng là do dùng kháng sinh.

Điều hết sức lưu ý là đối với trẻ, phải dùng thuốc thật đúng liều, với kháng sinh cũng vậy, tuy rằng nó ít gây tai biến do dùng quá liều so với nhiều thuốc khác.

Nguồn: TS. DS. Nguyễn Hữu Ðức

Sốt xuất huyết

Theo kinh nghiệm thì cứ 4 năm có một trận dịch sốt xuất huyết (SXH). Năm 1998 dịch SXH đã xảy ra tại các tỉnh thành phía Nam làm 383 bé tử vong. Năm 2001, trên biểu đồ cho thấy số mắc bệnh cao nhất vào khoảng tháng sáu, bảy. Đến thời điểm hiện nay số trẻ mắc SXH ở thành phố còn ít, có thể do không mưa, nhưng kinh nghiệm năm nào mưa trể, cao điểm SXH cũng sẽ xảy ra trể khoảng một tháng.

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dengue truyền qua muỗi vằn, đốt người vào ban ngày. Sau khi bị muỗi đốt 3-6 ngày, trẻ sốt cao đột ngột (39 - 40 độ C) trong 3-4 ngày liền, không sổ mũi (còn gọi là sốt khan). Cho trẻ uống thuốc thì hạ sốt nhưng khi ngưng thuốc sốt cao trở lại. Có những chấm xuất huyết dưới da ở tay, chân, ngực, bụng. Một số trường hợp có thể chảy máu cam, ói ra máu, tiêu phân đen. Sốc là dấu hiệu nặng, thường xuất hiện vào ngày thứ năm của bệnh. Khi sốt hạ, nhiều bà mẹ không biết lại nghĩ rằng bé đã khỏe, nhưng đó là vào sốc, máu bị cô đặc, nếu trẻ không được điều trị kịp thời tại bệnh viện sẽ bị tử vong.

Khi thấy trẻ sốt cao (39 - 40 độ C) đơn thuần trong hai, ba ngày nên đưa trẻ đi đến các bác sỹ chuyên khoa để được khám và xử trí theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Trường hợp SXH nhẹ thì trẻ được hướng dẫn chăm sóc tại nhà: hạ sốt với thuốc paracetamol (không dùng aspirin vì gây thêm xuất huyết), lau ấm khi sốt cao; ăn thức ăn nhẹ (cháo, súp, sữa...); uống nhiều nước cam, chanh (không dùng nước giải khát có màu nâu như xá xị, coca...); không cắt lễ, cạo gió.

Không quấn kín, mặc nhiều áo khi trẻ đang nóng sốt. Trường hợp thấy có nguy cơ vào sốc, bác sỹ sẽ cho trẻ nhập viện để được theo dõi sát và truyền dịch kịp thời.

Nguồn: Internet

Sốt và cách xử lý

Sốt và các loại sốt

Thân nhiệt người ta bình thường dao động từ 36,5 - 37,5 độ C (độ Celcius). Khi thân nhiệt tăng trên 37 độ C thì gọi là sốt.

Theo mức độ tăng thân nhiệt, người ta chia ra các loại sốt như sau:

- Sốt nhẹ : khi thân nhiệt từ 37,5 - 38 độ C.
- Sốt vừa : khi thân nhiệt từ 38 - 39 độ C.
- Sốt cao : khi thân nhiệt từ 39 - 40 độ C.
- Sốt rất cao : khi thân nhiệt trên 40 độ C.

Để xác định chính xác thân nhiệt, phải dùng nhiệt kế và đo ở hậu môn, nhất là ở trẻ dưới 1 tuổi. Nhiệt độ đo ở nách thường thấp hơn đo ở hậu môn 1 độ C.

Các dấu hiệu nặng và hậu quả của sốt cao

Khi sốt cao, trẻ có thể bị:

- Mất nước nhiều, do thở nhanh, vã mồ hôi nhiều.
- Co giật toàn thân.
- Mê sảng, nói lảm nhảm.

Ngoài ra, khi sốt cao, trẻ thường bị nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, sút cân, đái ít, táo bón. Đôi khi trẻ bị rét run: sợ quạt, nổi da gà, run lập cập, đòi đắp chăn. Chính khi rét run thân nhiệt tăng rất cao. Nếu không đo nhiệt độ, trùm kín chăn, sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.

Nguyên nhân

Sốt không phải là bệnh, mà là phản ứng của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh. Các tác nhân gây sốt có thể là :

- Vi khuẩn, vi rút, ký sinh vật hoặc các độc tố của chúng.

- Các protein lạ vào cơ thể: văcxin, các kháng huyết thanh, truyền plasma...

- Các nguyên nhân khác: mọc răng, mất nước nặng, thời tiết (cảm lạnh, cảm nóng), khối u hoặc các bệnh hệ thống.

Khi trẻ bị sốt, phải được thăm khám cẩn thận để phát hiện kịp thời các bệnh nhiễm khuẩn toàn thân hoặc bộ phận. Tất cả trẻ ốm đều phải đo nhiệt độ để theo dõi.

Xử lý khi trẻ bị sốt

1. Giải thích cho các bà mẹ hiểu rằng sốt là triệu chứng rất hay gặp ở trẻ em, nhiều trường hợp tự khỏi, không nên quá lo lắng, hốt hoảng, dùng thuốc vội vàng. Khi trẻ sốt phải theo dõi nhiệt độ hàng ngày, thậm chí từng giờ.

2. Chăm sóc trẻ bị sốt cao:

- Cởi bớt quần áo, để trẻ nằm chỗ thoáng mát và yên tĩnh, không ủ kín.

- Cho uống đủ thuốc, tốt nhất là nước hoa quả, cho thức ăn mềm, dễ tiêu. Khi sốt trẻ chán ăn nên phải cho ăn ít một, nhưng nhiều lần trong ngày.

- Khi thân nhiệt lên trên 38 độ C, cần chườm lạnh, khăn nhúng nước lạnh vắt khô, đặt ở trán, nách hoặc ở gáy. Tránh không để trẻ bị ướt, rét run.

- Có thể cho uống một trong các loại thuốc hạ nhiệt đông y hoặc tân dược (theo chỉ dẫn của bác sĩ) như Paracetamol, viên cảm cúm, viên khung chỉ.

3. Những trẻ sốt cao hoặc rất cao, ngoài thuốc hạ nhiệt nên xin ý kiến bác sĩ cho thêm thuốc an thần (Aminazin, Diazepanam (Vilium, seduxen)) để đề phòng co giật.

4. Tìm nguyên nhân để điều trị. Mặc dầu nguyên nhân chính gây sốt là các bệnh nhiễm khuẩn, nhưng không lạm dụng kháng sinh để điều trị sốt, chỉ dùng kháng sinh khi tìm thấy các ổ viêm nhiễm ở da, tai mũi họng, đường hô hấp.

5. Những trường hợp sốt sau đây cần gửi lên tuyến trên:

- Sốt kéo dài trên ba ngày.
- Sốt cao kèm theo dấu hiệu nặng như da xanh tái, khó thở.
- Sốt kèm theo ỉa chảy, đau bụng, đau khớp.
- Sốt kèm theo phát ban, xuất huyết, vàng da.
- Sốt kèm theo cứng gáy, thóp phồng, nôn nhiều, co giật.

Nguồn: Internet

Sốt cao và thuốc chống co giật

Hỏi:
Con tôi 3 tuổi, mới đây bị sốt và lên cơn co giật. Tôi rất lo lắng vì có cháu bị co giật mà thành tàn phế. Vậy những lần sau khi cháu bị sốt, tôi có phải cho uống phòng thuốc chống co giật không?
Trả lời:
Trẻ nhỏ khi sốt cao có thể bị co giật. Co giật thường diễn biến qua 3 giai đoạn (co cứng cơ, giật rung cơ và giãn cơ) trong khoảng dưới 5 phút; sau đó trẻ trở lại trạng thái bình thường. Y học gọi đó là cơn động kinh cơ hội hoặc co giật do sốt cao đơn thuần (ngoài hệ thần kinh).

Trong trường hợp ấy, cần để trẻ nằm ở nơi thoáng, nới rộng quần áo, không bồng bế ôm ấp. Để trẻ nằm nghiêng đầu một bên, tránh hít phải đờm dãi; chèn gạc (vải màn sạch) vào miệng để tránh cắn phải lưỡi. Cho trẻ uống đủ nước.

Muốn tránh những cơn co giật như thế, phải tìm nguyên nhân để chữa trị. Trước tiên, phải làm hạ sốt bằng paracetamol. Tiếp đó, phải dùng kháng sinh phù hợp để trị nhiễm khuẩn (nếu sốt do nhiễm khuẩn), thường là amoxicilin, erythromycin, ampicilin...

Thuốc chống co giật: Trước đây thường dùng muối bromur và chloral hydrat hoặc thuốc phối hợp cả hai như sirô bromur kép, sirô calci bromur hoặc sirô brocan. Các thuốc này đều có tác dụng an thần, trị co giật tốt, ít tác dụng phụ (hiện không thấy có trên thị trường).

Thuốc được ưa dùng hiện nay là Diazepam (seduxen), tiêm tĩnh mạch chậm 0,20 mg/kg thể trọng hoặc Phenobarbital tiêm bắp 10 mg (các loại thuốc tiêm này phải do người có chuyên môn thực hiện), hoặc uống Gardenal 5 mg/kg thể trọng theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Tốt nhất, nếu thấy trẻ sốt cao nhưng chưa có biểu hiện co giật, phải cho uống thuốc hạ sốt, thuốc an thần dự phòng trước. Cần chú ý phân biệt sốt cao co giật ngoài hệ thần kinh với sốt cao co giật có biểu hiện thần kinh (như mê sảng, lú lẫn, mất ý thức, hôn mê, co giật liên tục) để đưa trẻ đi bệnh viện ngay.

Nguồn: DS Phạm Thiệp

Sốt rét ở trẻ em

Sốt rét có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời trẻ có thể tử vong do sốt rét ác tính, thiếu máu đái huyết cầu tố, suy dinh dưỡng.

Sốt rét bẩm sinh

Rất hiếm gặp (chiếm khoảng 1-3%), thường do người mẹ mang thai (mới vào vùng sốt rét chưa có miễn dịch) nhiễm ký sinh trùng sốt rét. Ký sinh trùng này từ máu mẹ qua rau thai vào thai nhi. Bệnh dễ gây sảy thai, đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, trẻ sinh ra thường xanh xao thiếu máu, gan và lách to, vàng da và niêm mạc, dễ gây tử vong.


Sốt rét ở trẻ sơ sinh

Trẻ bị nhiễm ký sinh trùng sau khi sinh do muỗi đốt. Những triệu chứng sốt rét xuất hiện muộn (thường 3-4 tuần sau đẻ), triệu chứng thường không điển hình hoặc ít triệu chứng nhưng có khi trẻ sốt liên tục, hôn mê co giật, tiêu chảy, tiên lượng rất xấu và tỷ lệ tử vong cao.

Sốt rét sơ nhiễm

Thường gặp ở những trẻ trên 6 tháng (nhất là 4-5 tuổi) ở vùng có dịch sốt rét lưu hành. Các cơn sốt thường không điển hình, trẻ hay bị co giật do sốt cao, rối loạn tiêu hóa (nôn, đau bụng, tiêu chảy), thiếu máu nhanh, lách sưng đau, ho, viêm phế quản, dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, làm trẻ chậm phát triển về thể lực.

Sốt rét ở trẻ lớn

Thường có những triệu chứng điển hình: sốt thành cơn có 3 giai đoạn, khởi đầu là rét run, sau đó sốt nóng và tiếp sau là vã mồ hôi và giảm sốt. Cơn sốt có thể cách nhật (nếu do P.vivax) hoặc hàng ngày (nếu do P.falciparum). Kèm theo với sốt trẻ xanh xao, thiếu máu và gan lách to ra. Ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ sơ sinh triệu chứng thường không điển hình hoặc ít triệu chứng, có khi co giật do sốt cao, hôn mê, rối loạn tiêu hóa, dễ suy sụp và tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Phòng bệnh và điều trị sốt rét cho trẻ em

Phòng bệnh:
Nguồn bệnh chính là những bệnh nhân sốt rét, cả những người mang ký sinh trùng sốt rét nhưng không bị sốt.

Côn trùng truyền bệnh chủ yếu là muỗi Anophen. Việc phòng bệnh hiệu quả nhất là cắt đứt được 2 khâu này: quản lý người bệnh sốt rét không để muỗi đốt, phải cho trẻ ngủ màn, kể cả ban ngày, vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, đậy các đồ chứa nước để muỗi không có chỗ đẻ trứng, định kỳ phun thuốc diệt muỗi. Ðối với những trẻ theo gia đình vào vùng sốt rét phải được uống thuốc phòng sốt rét.

Ðiều trị: Artemisinin và các dẫn chất như artesunat (được chiết xuất từ cây thanh hao hoa vàng) là thuốc được dùng phổ biến ở nước ta, thuốc có tác dụng diệt ký sinh trùng nhanh và ít độc với trẻ, liều lượng và thời gian dùng thuốc phải theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài việc điều trị bằng thuốc sốt rét phải chú ý cho trẻ hạ sốt bằng paracetamol, uống đủ nước, ăn đủ chất dinh dưỡng và dễ tiêu hóa.

Nguồn: Lê Mỵ Dung

Sử dụng vitamin và chất khoáng cho trẻ em

Vitamin và các chất khoáng là một trong những yếu tố cần thiết cho sự phát triển cơ thể trẻ em. Các chất này có nhiều trong những thực phẩm như gạo, thịt, trứng, cá, sữa v.v... và các loại rau quả tươi như cam, chuối, đu đủ, hồng xiêm, chanh, quít, xoài, dứa, rau muống, rau ngót, xu hào, bắp cải v.v...

Trẻ em bình thường không có bệnh tật gì, được bú mẹ và ăn uống đầy đủ chất thì thường không thiếu vitamin và chất khoáng, do vậy không cần phải bổ sung thêm những thuốc có chứa hỗn hợp các loại chất này.

NGUYÊN NHÂN CỦA TÌNH TRẠNG THIẾU VITAMIN VÀ CHẤT KHOÁNG

Trong một số trường hợp đặc biệt, việc thiếu vitamin và chất khoáng thường do một số nguyên nhân sau:

Do cung cấp thiếu

Gặp ở những trẻ sống trong gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn nên bữa ăn cho trẻ không đảm bảo chất lượng. Do ăn phải gạo bị mốc hoặc để lâu ngày; Dùng rau quả bị héo hoặc bảo quản lạnh quá lâu; Chế biến thức ăn không đúng như đun đi đun lại nhiều lần; Các tục lệ ăn kiêng quá mức hoặc trẻ không được bú sữa mẹ v.v...

Do mắc một số bệnh

Những trẻ bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, rối loạn hấp thu, các bệnh về gan, mật v.v... sẽ bị thiếu vitamin và chất khoáng.

Các nguyên nhân khác

Gặp ở những trẻ sinh non, sinh đôi, trẻ lớn quá nhanh - do vậy nhu cầu vitamin, đặc biệt là vitamin D tăng rất cao.

TÁC HẠI CỦA VIỆC THIẾU VÀ THỪA VITAMIN VÀ CÁC CHẤT KHOÁNG

Thiếu vitamin và các chất khoáng


Thiếu vitamin A có thể gây bệnh ở mắt, làm trẻ bị khô mắt. Nhẹ thì quáng gà nặng có thể dẫn đến mù lòa. Ngoài ra thiếu vitamin A cũng làm trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa.

Thiếu vitamin B1 làm cho trẻ bị phù, viêm các dây thần kinh, suy tim, nếu nặng có thể dẫn đến tử vong.

Thiếu vitamin B12 gây bệnh thiếu máu có hồng cầu khổng lồ.

Thiếu vitamin C dễ gây chảy máu dưới da và niêm mạc, làm giảm sức đề kháng của cơ thể với bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.

Thiếu vitamin D làm trẻ mắc bệnh còi xương.

Thiếu vitamin K làm trẻ dễ bị xuất huyết, đặc biệt có thể gây xuất huyết não, màng não rất nguy hiểm.

Thiếu calci làm trẻ bị còi xương.

Thiếu sắt làm cho trẻ dễ mắc bệnh thiếu máu nhược sắc.

Thiếu kẽm, trẻ sẽ dễ mắc các bệnh ngoài da.

Thiếu Flo làm trẻ dễ mắc bệnh sâu răng v.v...

Thừa vitamin và các chất khoáng

Tuy nhiên tình trạng thừa vitamin hoặc các chất khoáng cũng có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Chẳng hạn như thừa vitamin A có thể gây ngộ độc, làm tăng áp lực nội sọ, khiến trẻ bị nôn nhiều, đau đầu, ảnh hưởng đến sự phát triển xương, có thể làm trẻ chậm lớn. Thừa vitamin D có thể làm trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương. Thừa calci có thể gây mệt mỏi, chán ăn, sỏi thận, tăng huyết áp... Thừa sắt gây ngộ độc sắt hoặc các biểu hiện của nhiễm sắt như làm gan lách to v.v...

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều dạng thuốc vitamin và chất khoáng hỗn hợp. Mặc dù đây là những thuốc bán không cần đơn của thầy thuốc, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng an toàn tuyệt đối. Nếu trẻ không có bệnh hoặc không gặp phải các nguyên nhân gây thiếu vitamin hoặc chất khoáng nêu trên thì không nên cho trẻ dùng thêm các thuốc này. Trong trường hợp trẻ cần phải dùng thuốc dài ngày, dùng liều cao hoặc phải dùng các chế phẩm có quá nhiều thành phần vitamin và chất khoáng trong một viên thuốc, vẫn cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc chuyên khoa nhi.

Nguồn: TS. Nguyễn Tiến Dũng

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Xà lách trứng, gà nướng

Thành phần:
- 4 miếng thịt heo muối chín, cắt nhỏ;
- 2 miếng lê, cắt nhỏ;
- 2 quả trứng luộc kỹ, cắt lát;
- Thịt ức gà: 200g;
- Cà chua loại nhỏ, chín và xanh, thái miếng;
- Rau diếp cá: một ít, thái nhỏ;
- Rau xà lách
Nước xốt chính:
- 1/4 chén dầu ôliu;
- 1/4 chén giấm thơm;
- 1/8 chén rau thơm cắt nhuyễn;
- 1/4 muỗng rượu thơm;
- 1 muỗng mù tạt;
- 1 nhánh tỏi, băm nhuyễn;
- 1 nhánh hẹ, băm nhuyễn;
- 1/2 quả chanh vắt lấy nước cốt;
- Nước mắm
Nước xốt ướp thịt gà:
- 2 muỗng dầu ôliu;
- 2 muỗng giấm thơm;
- 1 muỗng mù tạt;
- 1/2 quả chanh vắt lấy nước cốt;
- 1 nhánh tỏi, băm nhuyễn
Cách thực hiện:
Trộn tất cả phần thịt ức gà và nước xốt cho thịt gà vào một cái tô lớn và đem ướp lạnh từ 1-5 giờ. Sau đó đem nướng thịt gà đến khi chín thơm vàng. Các thành phần để làm nước xốt chính đem trộn vào một chén nhỏ. Lấy một đĩa lớn và sắp xà lách cùng các thành phần khác theo hàng để người ăn có thể chọn được cách kết hợp cho mình. Nước xốt chính đựng trong lọ sứ nhỏ.

Tôm chiên xốp

Nguyên liệu:
- Tôm 500g
- Bột mì 2 muỗng
- Trứng gà (cả lòng trắng và lòng đỏ)
- Sốt cà chua, muối, tiêu, bột nêm
Cách làm:
- Tôm lột vỏ lấy chỉ, khứa ở vùng bụng 3 khứa để cho tôm thẳng rồi rửa sạch để ráo nước (tôm để đuôi)
- Pha bột: Cho 2 muỗng bột mì + 1 muỗng muối +1 muỗng bột nêm + 2 lòng đỏ trứng vào bột + 2 lòng trắng trứng cho vào tô đánh sủi bọt, cho 1/2 chén nước vào bột với 2 lòng đỏ quậy đều rồi cho hai lòng trắng trứng đã quậy vào (không quậy nhiều).
- Chiên tôm: Cho chảo lên bếp đổ dầu vào, dầu sôi nhúng tôm vào hỗn hợp bột và chiên thấy tôm vàng đều là được.
- Làm nước chấm: Cho hành tây bằm + tỏi bằm phi thơm, thêm 250 ml nước sốt cà chua + 125 ml nước lọc + 2 muỗng đường + 1 muỗng bột ngọt rồi đun sôi đều là được.
- Trình bày: Cho xà lách xoong dưới đĩa rồi xếp tôm đều ra, trang trí thêm lá ngò.

Canh khoai mỡ tốt cho mùa hè

Mấy hôm nay thời tiết hơi nóng, các mẹ thử nấu món canh khoai mỡ này cho bé để thay đổi nhé. Món canh ngọt mát với thịt tôm, dậy mùi thơm béo của khoai mỡ.

Nguyên liệu


Khoai mỡ: 50g

Tép tươi: 10g (1 muỗng cà phê đầy)

Dầu ăn: 5g (1 muỗng cà phê)

Hành, ngò om, nước mắm, muối...

Cách làm

Tép lột vỏ rửa sạch, giã nhuyễn với phần đầu của cây hành hoa, ướp với chút nước mắm, tiêu...

Khoai mỡ: gọt vỏ, rửa sạch, cắt lát đập dập nát.

Hành, rau thơm rửa sạch, cắt nhỏ.

Bắc nước vừa đủ để nấu canh. Nước sôi dùng muỗng cho từng thìa tép vào.

Cho khoai vào, đảo đều, vớt bọt.

Khoai chín, nêm lại vừa ăn cho hành, rau thơm nhắc xuống, thêm 1 muỗng cà phê dầu ăn