Đôi khi bạn thấy trẻ có những hành vi kỳ cục, dùng răng để phản ứng. Liệu hành vi đó có bình thường?

 Ngôn ngữ của răng
Đón con từ nhà trẻ, bỗng bạn phát hiện trên mình bé có không ít vết cắn. Bạn không hài lòng và gọi điện phàn nàn về sự thiếu giám sát của các cô giáo. Trên thực tế, hành động cắn xảy ra bất thình lình, ngay cả khi cô giáo đứng bên cạnh cũng khó có thể ngăn cản kịp thời. Hơn nữa, cắn là điều bình thường ở hầu hết các trẻ nhỏ và nhất là trong môi trường tập thể. Trẻ vẫn đang trong giai đoạn khám phá thế giới bằng miệng. Có lúc trẻ cắn đồ vật, cắn mẹ hay người giúp việc, khi khác, trẻ dùng miệng để tấn công những người xung quanh. Trẻ hay cắn không phải do bản tính độc ác, mà do đang trải qua giai đoạn hung hăng đột phát. Dần dần bé sẽ học cách kiềm chế hơn. Đây là hành vi nguyên thủy và bị cho là thô lỗ, nhiều cha mẹ coi đó là rối loạn hành vi. Trẻ cắn khi hưng phấn hay vui sướng, hành động mà không biết đến hậu quả và chính “thủ phạm” cũng ngạc nhiên và buồn như nạn nhân. Ngoài nhu cầu thể hiện ra ngoài tính hung hăng, hành vi này còn gửi những thông điệp tùy theo lứa tuổi và động cơ.
• Dưới 2 tuổi, trẻ cắn để thể hiện tình yêu hay cảm nhận hơi ấm của mẹ. Nghiêm trọng hơn khi đó là cách bé dùng để phản đối cự lực mẹ hay người khác.
• Lớn hơn một chút: trẻ thể hiện sự lên án có động cơ vì một lý do rõ ràng (bé vừa la mắng, cấm làm một việc gì đó) hay ngấm ngầm (ganh tỵ với em trai, một bạn ở nhà trẻ…). Thay vì dùng lời, trẻ lựa chọn cách tấn công bằng răng.

Những nạn nhân
• Nạn nhân đầu tiên thường là mẹ. Trong tâm trí bé, luôn có hai người mẹ, một tốt bụng luôn thỏa mãn mọi yêu cầu của trẻ và một người độc ác từ chối bé một điều gì đó. Dần dần, hai hình ảnh này mới chồng khít làm một. Khi bé cắn, cần ngăn chặn kịp thời hành vi này, nếu việc đã xảy ra thì không nên kêu lên hay có phản ứng cắn đùa lại bé (điều đó củng cố thêm hành vi này ở trẻ), cũng không nên đánh bé. Cách ứng xử của mẹ có ý nghĩa quyết định, được trả lời thích đáng, trẻ sẽ không lặp lại nữa. Bạn phải tìm cách cho con hiểu rằng cắn là không tốt và dạy con cách chuyển hóa, làm chủ xung năng tiêu cực này. Từ 1- 3 tuổi, trẻ thường “trắc nghiệm” các phản ứng của mẹ bằng cách dùng răng cắn.
• Ở trường mầm non, mẫu giáo, người ta nhận thấy những đứa trẻ cùng tuổi thường cắn nhau, do gặp khó khăn trong việc diễn đạt bằng lời. Vì vậy, hành vi này thể hiện sự ngấu nghiến giao tiếp, một thời điểm tình cảm khó khăn hay là sự ganh tỵ.
• Giữa anh chị em ruột cũng thường gặp do ganh ty. Nếu trẻ cắn em thường xuyên, chắc chắn là để trừng phạt em trai đã “lấy đi” một phần tình cảm của bạn dành cho trẻ. Cần an ủi và cho bé lớn thấy bạn cũng rất yêu bé lớn. Nếu tình trạng kéo dài, đó thực sự là một cuộc xung đột và những ý kiến tư vấn của bác sỹ tâm lý là rất cần thiết.

Giúp trẻ bớt hung hăng
Cắn là một trong những cách thể hiển rõ ràng nhất tính hung hăng mà trẻ không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ, giống như ném đồ chơi, giẫm lên hoa...
• Cách điều trị trước tiên bằng hành động: giúp trẻ giải phóng năng lượng bằng các trò chơi thể chất như là chơi bóng.
• Không để bé làm việc đó, bởi đây là một cách thức giao tiếp gây đau đớn ngời khác. Những câu nói rõ ràng của mẹ cùng yêu cầu trẻ xin lỗi là cách lý tưởng dạy trẻ phải làm gì. Hãy cho trẻ thấy cần phải tìm cách thể hiện khác.
• Nếu nạn nhân là các bạn cùng lớp, hãy quan tâm đến “nạn nhân” và bỏ lờ thủ phạm một lúc, chừng vài phút. Sau đó, tận dụng cơ hội để dạy trẻ vài điều: “Người ta không được làm thế với bạn bè. Con có thể không yêu quý bạn nhưng không được làm bạn đau”.

• Quan sát hành vi của trẻ liên quan và tìm hiểu khi nào và tại sao trẻ lại cắn bạn.
• Để mắt đến môi trường chơi xung quanh để tránh các vụ tranh chấp đồ chơi, đánh nhau hay những tình huống khích động bé cắn.
• Cần có sự hợp tác giữa nhà trẻ và gia đình để chấm dứt thái độ này.
• Nói rõ với trẻ rằng hành vi này là không thể chấp nhận được và sẽ không được tha thứ. Trẻ nhỏ có thời gian tập trung ngắn và cần có những phản ứng rõ ràng và ngay lập tức, tránh các câu nói mơ hồ như: “Bây giờ con phải tử tế với em”. Trẻ chưa liên hệ được giữa việc cắn với hành vi tử tế. Tốt nhất là nói rõ ràng: “Con chỉ cắn quả táo mẹ đưa chứ không được cắn người khác nhé”.
• Tuyệt đối không cắn đùa lại trẻ, bởi nếu không trẻ hiểu hành vi đó được chấp nhận.