Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Sốt cao và thuốc chống co giật

Hỏi:
Con tôi 3 tuổi, mới đây bị sốt và lên cơn co giật. Tôi rất lo lắng vì có cháu bị co giật mà thành tàn phế. Vậy những lần sau khi cháu bị sốt, tôi có phải cho uống phòng thuốc chống co giật không?
Trả lời:
Trẻ nhỏ khi sốt cao có thể bị co giật. Co giật thường diễn biến qua 3 giai đoạn (co cứng cơ, giật rung cơ và giãn cơ) trong khoảng dưới 5 phút; sau đó trẻ trở lại trạng thái bình thường. Y học gọi đó là cơn động kinh cơ hội hoặc co giật do sốt cao đơn thuần (ngoài hệ thần kinh).

Trong trường hợp ấy, cần để trẻ nằm ở nơi thoáng, nới rộng quần áo, không bồng bế ôm ấp. Để trẻ nằm nghiêng đầu một bên, tránh hít phải đờm dãi; chèn gạc (vải màn sạch) vào miệng để tránh cắn phải lưỡi. Cho trẻ uống đủ nước.

Muốn tránh những cơn co giật như thế, phải tìm nguyên nhân để chữa trị. Trước tiên, phải làm hạ sốt bằng paracetamol. Tiếp đó, phải dùng kháng sinh phù hợp để trị nhiễm khuẩn (nếu sốt do nhiễm khuẩn), thường là amoxicilin, erythromycin, ampicilin...

Thuốc chống co giật: Trước đây thường dùng muối bromur và chloral hydrat hoặc thuốc phối hợp cả hai như sirô bromur kép, sirô calci bromur hoặc sirô brocan. Các thuốc này đều có tác dụng an thần, trị co giật tốt, ít tác dụng phụ (hiện không thấy có trên thị trường).

Thuốc được ưa dùng hiện nay là Diazepam (seduxen), tiêm tĩnh mạch chậm 0,20 mg/kg thể trọng hoặc Phenobarbital tiêm bắp 10 mg (các loại thuốc tiêm này phải do người có chuyên môn thực hiện), hoặc uống Gardenal 5 mg/kg thể trọng theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Tốt nhất, nếu thấy trẻ sốt cao nhưng chưa có biểu hiện co giật, phải cho uống thuốc hạ sốt, thuốc an thần dự phòng trước. Cần chú ý phân biệt sốt cao co giật ngoài hệ thần kinh với sốt cao co giật có biểu hiện thần kinh (như mê sảng, lú lẫn, mất ý thức, hôn mê, co giật liên tục) để đưa trẻ đi bệnh viện ngay.

Nguồn: DS Phạm Thiệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét